Trung Quốc tiếp cận được với nguồn năng lượng giá rẻ hơn trong khi Nga có thể bù đắp thiệt hại từ việc Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác giảm nhập khẩu từ Moscow.
Sự hợp tác ngày càng gia tăng, dự kiến được thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Uzbekistan ngày 15/9, được cho là có lợi cho cả 2 nước.
Mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Trung Quốc cũng thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp trong giao dịch thương mại, từ đó giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Nguồn nhập khẩu giá rẻ giúp Trung Quốc giảm lạm phát
Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và là khách hàng hàng đầu mua dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá. Trong giai đoạn tháng 4-7/2022, khối lượng dầu thô Bắc Kinh nhập khẩu từ Moscow tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Khối lượng LNG và than đá Trung Quốc nhập khẩu từ Nga cũng tăng lần lượt 50% và 6% cùng kỳ. Nhập khẩu điện từ Nga, chủ yếu thông qua một đường dây truyền tải quy mô lớn nối Đông Bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga, tăng 39%.
Tổng số tiền Trung Quốc mua dầu mỏ, khí đốt và điện của Nga từ đầu năm tới nay đạt 43,68 tỷ USD.
Nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ hơn từ Nga đang giúp giảm lạm phát ở Trung Quốc.
“Cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin có thể sẽ củng cố mối quan hệ của Trung Quốc với Nga trong thương mại năng lượng để đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là vào thời điểm Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của phương Tây, còn Trung Quốc cần năng lượng giá rẻ để củng cố nền kinh tế đang chùng xuống do ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa phòng chống Covid-19”, ông Zhuwei Wang, Giám đốc bộ phận phân tích dầu mỏ châu Á, thuộc S&P Global Commodity Insights, cho biết.
Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ, bán lại với giá cao hơn
Theo các dữ liệu hải quan của Trung Quốc, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của nước này trong giai đoạn tháng 5-7/2022, chiếm 19% khối lượng nhập khẩu của Bắc Kinh so với 15% cùng kỳ năm 2021.
Thị phần của Nga có thể tăng lên hơn 20% trong năm nay, ngân hàng ING của Hà Lan nhận định hồi tháng 8.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu hải quan, từ tháng 4-7, Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 3 tỷ USD khi mua dầu của Nga so với các nguồn nhập khẩu khác. Trung bình, Trung Quốc trả khoảng 708 USD/tấn dầu thô Nga trong khi giá nhập khẩu từ các nước khác là 816 USD/tấn.
Khối lượng LNG Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã tăng 26% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021 trong khi xuất khẩu LNG của Trung Quốc tăng lên 66.798 tấn trong tháng 7 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2019, nhờ tái xuất sang châu Âu và Nhật Bản.
Ông Saul Kavonic, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Tài nguyên và Năng lượng Tích hợp tại Credit Suisse cho biết: “Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của dòng chảy thương mại bị gián đoạn, bằng cách mua dầu và LNG chiết khấu của Nga, sau đó xuất khẩu khối lượng tương ứng trở lại châu Âu với giá cao hơn, từ đó mang lại những khoản lợi nhuận lớn”.
Trung Quốc cũng có những kế hoạch dài hạn đối với nguồn cung từ Nga khi nước này cố gắng đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon mới và tăng cường tiêu thụ khí đốt. Điều đó đã thúc đẩy một thỏa thuận hồi tháng 2 giữa hai nước về một đường ống dẫn mới từ Nga sẽ khởi động trong 2-3 năm tới.
Nhập khẩu than đá từ Nga cao nhất trong 5 năm qua
Tháng 7, nhập khẩu than đá của Trung Quốc từ Nga đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, khi Bắc Kinh mua than giảm giá do châu Âu giảm mạnh nhập khẩu từ Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 11/8.
Cuối tháng 7, than cốc của Nga với giá trị gia nhiệt/giá trị nhiệt lượng 5.500 kilocalor (kcal) được giao dịch khoảng 150 USD/tấn (đã bao gồm các chi phí và vận chuyển), trong khi than có cùng chất lượng tại cảng Newcastle của Australia được giao dịch ở mức hơn 210 USD/tấn (giá FOB, tức giá đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cảng, thuế phí xuất khẩu).
Mặc dù nguồn cung của Nga chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu của Trung Quốc, nhưng một số nhà buôn dự kiến khối lượng than nhập khẩu từ Nga sẽ tăng trong quý IV khi các công ty tiện ích dự trữ cho việc sưởi ấm trong mùa đông.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù lợi ích của Trung Quốc là rõ ràng, nhưng Nga vẫn phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn so với Trung Quốc.
“Cho dù cuộc xung đột hiện nay được giải quyết, có một điều rõ ràng là Nga sẽ không còn dựa vào các thị trường xuất khẩu năng lượng lớn ở châu Âu trong tương lai gần và việc chuyển hướng xuất khẩu năng lượng và các hàng hóa khác sang phía Đông sẽ tăng tốc”, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Doshi, ông Tilak Doshi, cho biết.