Trong bài xã luận đăng ngày 8.10, Thời báo Hoàn cầu, tờ báo thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không thể cô lập hoặc làm tổn thương kinh tế nước này.
Bài xã luận khẳng định Trung Quốc không bị cô lập bởi TPP |
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời bà Hoàng Vi, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng TPP sẽ có tác động đến Trung Quốc, nhưng do quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, TPP chỉ “ảnh hưởng tiêu cực ở mức độ tối thiểu”.
Theo bà Hoàng, TPP chỉ tạo ra “tác động về mặt tâm lý”, khiến nhiều người nghĩ Trung Quốc đã bị các nước láng giềng bỏ rơi, chứ không có bằng chứng nào cho thấy hiệp định này có thể đe dọa kinh tế Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn lời bà Trần Phụng Anh, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nhận định rằng TPP “chẳng thể cô lập Bắc Kinh, do vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với kinh tế khu vực và thế giới”.
Trong bài viết đăng ngày 4.10, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết Trung Quốc từng được mời gia nhập TPP, nhưng Bắc Kinh đã chần chừ trong việc tuân thủ theo nhiều quy định bắt buộc của hiệp định, chẳng hạn như mở cửa mảng tài chính. Giới phân tích nhận định do không tham gia TPP, nên Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội cùng các nước khác định hình một rường cột quan trọng cho hệ thống giao thương thế giới, điều vốn là ưu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tờ báo Mỹ còn dẫn lời các nhà phân tích nhận định rằng không vào TPP cũng đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bỏ lỡ cơ hội làm ăn với nhiều quốc gia tiến bộ vượt bậc về mặt công nghệ tại thời điểm Bắc Kinh đang cố cổ súy cho các sáng tạo mang tính công nghệ cao.
Hãng tin Bloomberg hôm 6.10 cho biết Trung Quốc có lẽ sẽ là một trong những nước thiệt thòi nhiều nhất khi không gia nhập TPP.
Do Bắc Kinh không vào TPP, Mỹ rộng đường tập trung củng cố chặt hơn các mối quan hệ giao thương với các quốc gia trên toàn cõi châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có thêm lợi thế để tiếp tục xúc tiến chiến lược xoay trục về khu vực này.
Ông Fielding Trần, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhận định rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ mất một số thị phần tại nhiều thị trường lớn, như Mỹ và Nhật Bản, lẫn nhỏ, chẳng hạn như Việt Nam.