Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã ca ngợi các ưu tiên chính sách của ông Tập Cận Bình khi đó là “chương trình nghị sự cải cách kinh tế táo bạo”, với “lập trường ủng hộ thị trường” sẽ hạn chế sự can thiệp của chính phủ và kiềm chế các DNNN. Nay gần 10 năm đã trôi qua, chính sách này đã thực sự mang đến những thay đổi quyết định cho nền kinh tế Trung Quốc như nhiều người mong đợi?
Điều phối các công ty công nghệ, can thiệp IPO ra nước ngoài
Điều phối các công ty công nghệ, can thiệp IPO ra nước ngoài
Đúng là với chính sách mới đã làm thay đổi thị trường vốn Trung Quốc, nhưng theo cách rất khác. Đó là có sự can thiệp của nhà nước điều phối nguồn vốn tư nhân hướng tới các mục tiêu chính sách. Để đạt được điều này, nhà nước đang mở rộng sự hiện diện trong thị trường IPO của đất nước. Trong thập niên qua chính phủ đã huy động hơn 900 tỷ USD thông qua các quỹ hướng dẫn của chính phủ, để đảm bảo đủ dòng vốn sớm cho các công ty thuộc ngành công nghiệp được ưu ái như sản xuất cao cấp, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học.
Trong một bài phát biểu năm 2021, ông Tập Cận Bình cho biết “chỉ khi nắm được các công nghệ cốt lõi quan trọng, mới có thể đảm bảo cơ bản an ninh kinh tế quốc gia, an ninh quốc phòng”. Kiki Yang, đồng Giám đốc bộ phận cổ phần tư nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bain & Company, cho biết đã qua rồi thời thị trường khởi nghiệp của Trung Quốc tràn ngập tiền mặt từ các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài như Sequoia và SoftBank, đã ủng hộ các tập đoàn công nghệ như Alibaba và Tencent để giúp thúc đẩy các ứng dụng và nền tảng thanh toán đổi mới.
Lần can thiệp IPO lớn đầu tiên là vào tháng 11-2020, khi các cơ quan quản lý chặn đứng kế hoạch niêm yết kỷ lục 37 tỷ USD của Ant - tập đoàn fintech đang phát triển nhanh do tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, sở hữu.
Điều đó đã khiến các đợt IPO ở nước ngoài phải tạm dừng để các cơ quan quản lý hoàn thiện quy tắc niêm yết nước ngoài mới, nhưng không ai biết khi nào các đợt IPO ở nước ngoài sẽ hoạt động trở lại. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy, 95% trong số 35 tỷ USD từ IPO của các công ty Trung Quốc trong năm nay đã được tích lũy ở thị trường nội địa, nơi các ngân hàng đầu tư nhà nước như CICC và Citic Securities thống trị các giao dịch, và việc bán cổ phiếu mới phải được các cơ quan quản lý ký duyệt. Do đó, các đợt niêm yết chuyển đến Thượng Hải hoặc Thâm Quyến, khiến nhà đầu tư nước ngoài hầu như không tham gia các đợt IPO của Trung Quốc.
Ngoài việc hạn chế quyền tiếp cận thị trường chứng khoán toàn cầu, thì việc quản lý và đầu tư được nhà nước hậu thuẫn cho các công ty nhận được nguồn vốn từ các nhóm đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân mở rộng quy mô. Do vậy, một số phân khúc công nghệ được ưa chuộng bởi vốn cổ phần tư nhân được các quỹ do chính phủ dẫn dắt.
Tham vọng từ các quỹ hướng dẫn của chính phủ
Phạm vi và tham vọng các quỹ hướng dẫn của chính phủ có nhiệm vụ kép, là thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu chính sách của Bắc Kinh và mang lại lợi nhuận tài chính. Kể từ đầu năm 2013 cho đến nay, khoảng 1.800 quỹ hướng dẫn của chính phủ huy động được hơn 6.000 tỷ NDT (900 tỷ USD) để đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.
William Bao Bean, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu SOSV, cho biết: “Phần lớn nguồn tài trợ cho các quỹ đầu tư Trung Quốc là từ chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư đã trở nên khó khăn hơn trong 4 năm qua, do các biện pháp kiểm soát của chính phủ ngày càng nghiêm ngặt”. Kết quả, sự thay đổi nguồn vốn đã tạo ra nhiều đợt IPO của các công ty được Bắc Kinh chỉ định là “các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược”, bao gồm sản xuất xe điện, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và sản xuất thiết bị cao cấp khác”.
Thomas Gatley, nhà phân tích tại Gavekal, cho biết thị trường vốn cổ phần của Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới, trong đó Bắc Kinh ngày càng kiểm soát đích đến của dòng vốn trong nước và quốc tế. Do vậy cơ hội đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc sẽ trở nên tập trung hơn vào các nhà sản xuất cao cấp và công ty AI cần thiết, để bảo vệ Trung Quốc khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu mục đích này đối với thị trường vốn cổ phần của Trung Quốc có hiệu quả, khi chính phủ ngày càng can thiệp sâu và bỏ qua các tín hiệu thị trường? Bởi lẽ kể từ năm 2020, chỉ số Star 50 của các cổ phiếu lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất của Star Market đã giảm 1/4 giá trị, tụt hậu so với thị trường chứng khoán chung của Thượng Hải. Năm 2022, giá trị của 40% trong số 66 công ty niêm yết trên Star đã giảm ngay trong ngày giao dịch đầu tiên. Các nhà phân tích cho rằng, do quy trình niêm yết ở Trung Quốc bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định. Điều này đã khiến nhiều công ty từ bỏ, với gần 160 đơn đăng ký chính thức bị hủy kể từ năm 2019.
Douglas Arner, giáo sư luật và chuyên gia về quy định tài chính tại Đại học Hồng Kông, cho biết nếu như bước đầu với việc thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường hơn, thì các động thái tiếp theo đã giảm nhẹ vai trò của thị trường, hoặc nhằm đưa nhà nước trở lại vai trò quyết định. Điều đó được phản ánh bởi các quỹ hướng dẫn của chính phủ.
Các tỉnh của Trung Quốc từ lâu đã trở thành cơ sở thử nghiệm cho các chính sách thúc đẩy kinh doanh, thương mại và đổi mới. Nhưng các nhà phân tích lo lắng rằng chính phủ Trung Quốc đang loại bỏ các chính sách của các nhà lãnh đạo trước đây, những người đã cho phép nhiều quyền tự trị hơn cho các tỉnh.
Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư China Renaissance, cho biết tài liệu cho thấy mong muốn ngày càng tăng của Bắc Kinh về việc kiểm soát chặt hơn các tỉnh. Ông nói: “Bắc Kinh đang thúc giục các cấp quan chức tập trung vào thị trường nội địa. Họ không nói đang đóng cửa đối với nhà đầu tư toàn cầu. Nhưng họ nói nếu ai đó đóng cửa với họ, họ phải được trang bị và chuẩn bị tốt".
Nếu Trung Quốc thành công trong việc định hình lại hệ thống IPO của Trung Quốc phù hợp với tầm nhìn chiến lược này, nó sẽ kéo theo các công ty niêm yết của nước này gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết với các mục tiêu của Bắc Kinh, và điều này khiến các chính phủ phương Tây có thể quyết định cắt đứt dòng vốn đầu tư. Và nếu Washington hạn chế dòng vốn đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch thống trị công nghệ của Bắc Kinh, có thể đe dọa các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải làm việc trong nhiều thập niên để thu hút nhà đầu tư toàn cầu vào thị trường nội địa đang dần mở cửa của nước này.