Trung Quốc thay đổi chiến lược ở châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-Trung Quốc cuối tuần qua tại Johannesburg, Nam Phi, diễn ra trong bối cảnh nhiều người ví von tuần trăng mật giữa 2 bên đã chấm dứt. Theo giới quan sát, tại hội nghị lần này, Trung Quốc đã cho thấy sự điều chỉnh cách làm ăn để cắm chân lâu dài ở lục địa đen.

Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-Trung Quốc cuối tuần qua tại Johannesburg, Nam Phi, diễn ra trong bối cảnh nhiều người ví von tuần trăng mật giữa 2 bên đã chấm dứt. Theo giới quan sát, tại hội nghị lần này, Trung Quốc đã cho thấy sự điều chỉnh cách làm ăn để cắm chân lâu dài ở lục địa đen.

Điều này đuợc thấy rõ nhất khi Nam Phi và Trung Quốc đã ký 26 hiệp định trị giá trên 7 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, thương mại... Động thái này cho thấy Trung Quốc đang chuyển sang hướng đầu tư đa dạng, bảo đảm cho sự hiện diện lâu dài ở lục địa đen. Theo hãng tin RFI, tăng trưởng kinh tế châu Phi không chỉ dựa trên nguồn bán nguyên vật liệu cơ bản mà còn phụ thuộc vào độ bền vững của các đầu tư nước ngoài.



Hơn 1 thập niên qua, đầu tư Trung Quốc vào châu Phi chủ yếu nhằm khai thác nguồn quặng mỏ và nhiên liệu. Nhưng giờ đây muốn duy trì sự hiện diện lâu dài ở lục địa đen, Bắc Kinh phải mở ra hướng hợp tác mới để 2 bên cùng có lợi. Từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã nhắm tới châu Phi để thâu tóm nguồn dầu lửa, mỏ quặng, đẩy giá nguyên vật liệu cơ bản tăng vọt. Nhưng giờ đây, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chững lại, kéo theo giá nguyên vật liệu sụt giảm. Điều này đã tác động trực tiếp đến những quốc gia châu Phi lâu nay bị lệ thuộc vào đối tác Trung Quốc. Như Zambia, quặng đồng chiếm 60% xuất khẩu chủ yếu được bán cho Trung Quốc. Khi giá nguyên liệu sụt giảm, ngay lập tức Zambia rơi vào tình trạng khốn đốn, gần 4.000 lao động bị mất việc, đồng tiền bị mất giá 45% so với USD. 

Vì vậy, tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết hợp tác Trung-Phi sẽ không gây tổn hại cho hệ sinh thái và lợi ích dài hạn của châu Phi. Đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện 100 dự án năng lượng sạch, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã và phát triển nông nghiệp tôn trọng môi trường.



Chưa dừng lại, Trung Quốc còn lấy lòng châu Phi khi ông Tập đưa ra nhiều hứa hẹn trợ giúp, trong đó có khoản viện trợ 60 tỷ USD, chủ yếu dưới hình thức vốn vay. Theo đó, trong số 60 tỷ USD có 5 tỷ USD vay với lãi suất 0% và 35 tỷ USD với lãi suất ưu đãi. Số tiền này sẽ được sử dụng trong 10 chương trình hợp tác trong vòng 3 năm cho nhiều lĩnh vực, chủ yếu trong nông nghiệp, công nghiệp hóa, giảm nghèo, sức khỏe, văn hóa, an ninh, bảo vệ môi trường hay phát triển xanh.

Kỹ sư Trung Quốc cùng công nhân Kenya làm việc tại một dự án đường sắt gần Makueni, Kenya.

Kỹ sư Trung Quốc cùng công nhân Kenya làm việc



tại một dự án đường sắt gần Makueni, Kenya.

Trước sự hiện diện của khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Phi, ông Tập Cận Bình cam kết viện trợ lương thực khẩn cấp trị giá với gần 156 triệu USD cho những quốc gia châu Phi mùa màng bị thất bát do hiện tượng El Nino. Ngoài ra, Trung Quốc còn hào phóng tuyên bố sẽ xóa nợ chính phủ không lãi suất, đáo hạn vào cuối năm 2015 cho những nước châu Phi kém phát triển nhất…

Trung Quốc luôn là đối tác hàng đầu của châu Phi kể từ năm 2009, khối lượng trao đổi mậu dịch tăng liên tục từ 10 tỷ USD năm 2000 lên 300 tỷ USD năm 2015. Hơn 2.500 doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hoạt động ở lục địa này. Theo các nhà phân tích, đã đến lúc Trung Quốc phải thay đổi chính sách để châu Phi cảm thấy được hưởng lợi nhiều hơn trong quan hệ với Bắc Kinh, nếu không muốn để mất thị trường giàu tiềm năng vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Các tin khác