Tờ The Economics Times ngày 30-5 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố nước này đang cho vận hành thử nghiệm tàu sân bay Sơn Đông tự đóng.
"Mục tiêu của đợt thử nghiệm là kiểm tra hệ thống vũ khí và các thiết bị trên tàu, tăng cường huấn luyện và cải thiện khả năng tác chiến của binh sĩ", ông Nhậm khẳng định.
Đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho hay việc thử nghiệm được tiến hành theo đúng kế hoạch và không bị tình hình COVID-19 ảnh hưởng, song không nói rõ địa điểm vận hành thử của tàu sân bay Sơn Đông.
Tàu sân bay Sơn Đông neo tại cảng Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng 12-2019. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Dù vậy, Cục An toàn Hàng hải TP Đại Liên hồi tuần trước có ra thông báo phong tỏa vùng biển phía Bắc biển Hoàng Hải cho mục đích quân sự. Tờ South China Morning Post nhận định đây nhiều khả năng là để phục vụ đợt thử nghiệm của tàu Sơn Đông.
"Trung Quốc từng có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay Liêu Ninh nhưng tàu đó chỉ là một tàu sân bay chưa hoàn thiện của Liên Xô mà Bắc Kinh mua lại rồi tân trang. Việc tân trang cũng mất rất nhiều thời gian và phải thử nghiệm rất nhiều lần đến khi Trung Quốc có thể cho tàu Liêu Ninh vào biên chế", ông Koh nhận xét.
Trong khi đó, tờ Business Insider dẫn nguồn một số chuyên gia chỉ ra tàu sân bay Sơn Đông mắc một loạt điểm yếu về kỹ thuật dễ khiến tàu này trở thành mục tiêu đánh phá khi thực chiến.
Cụ thể, điểm yếu lớn nhất là tàu này sử dụng động cơ dầu diesel vốn ngốn rất nhiều nhiên liệu, khiến tàu Sơn Đông phụ thuộc rất nhiều vào các tàu hậu cần đi theo. Hải quân Trung Quốc đến nay chưa đủ nguồn lực để xây dựng một hạm đội hoàn chỉnh đi theo hỗ trợ và bảo vệ tàu sân bay này như các hạm đội của Mỹ.
Ngoài ra, công nghệ hỗ trợ cất cánh cho các chiến đấu cơ được đánh giá không hiện đại bằng các tàu sân bay Mỹ khiến tàu này không chịu được nếu nhiều máy bay cất cánh cùng lúc. Phi công của Trung Quốc cũng chưa được đào tạo đầy đủ cho thao tác hạ, cất cánh trên tàu sân bay.