Trung Quốc và Nhật Bản 'run rẩy' trước viễn cảnh Mỹ vỡ nợ

(ĐTTCO) - Lo ngại Mỹ vỡ nợ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, lãi suất cao hơn và căng thẳng đối với nền kinh tế tổng thế, Trung Quốc và Nhật Bản đang dõi theo tình hình trong tâm trạng bất an.
Kinh tế Nhật Bản sẽ chịu tác động lớn nếu Mỹ vỡ nợ. Ảnh: Bloomberg.
Kinh tế Nhật Bản sẽ chịu tác động lớn nếu Mỹ vỡ nợ. Ảnh: Bloomberg.

Mối quan hệ cộng sinh

Trung Quốc và Nhật Bản là những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Hai nước này nắm giữ tổng cộng 2.000 tỷ USD trên 7.600 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ.

Trong đó, Nhật Bản nắm giữ 1.100 tỷ USD và Trung Quốc 870 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Có nghĩa cả hai đều dễ bị tổn thương nếu kịch bản “ngày tận thế” xảy ra với Washington, khiến giá trị số trái phiếu trên sụp đổ.

Theo đó, nếu giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sẽ khiến dự trữ ngoại hối của Nhật Bản và Trung Quốc giảm. Nói cách khác, 2 nước này sẽ có ít tiền hơn để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, khoản nợ nước ngoài hoặc hỗ trợ đồng nội địa.

Theo giới phân tích, việc Mỹ vỡ nợ sẽ kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu là “mối quan ngại nghiêm trọng đối với tất cả quốc gia, đặt ra rủi ro đặc biệt với sự phục hồi kinh tế vốn đã mong manh của Trung Quốc”.

Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc trở nên sôi động hơn kể từ khi chính sách Zero Covid được gỡ bỏ hồi cuối năm 2022, tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp phải thách thức khi tiêu dùng, đầu tư và sản lượng công nghiệp đều có dấu hiệu chững lại.

Giá tiêu dùng hầu như không thay đổi trong những tháng qua khiến áp lực giảm phát ngày càng cao. Bên cạnh đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, chạm mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4-2023.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản chỉ mới có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát, vốn ám ảnh nước này trong nhiều thập niên.

Lạm phát giá tiêu dùng cốt lõi ở Tokyo đã tăng 3,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ trong tháng 5, chậm lại so với mức tăng của tháng trước nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của NHTW.

Trung Quốc và Nhật Bản đều đang phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và việc làm nội địa. Washington cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Tokyo.

Nếu Mỹ thực sự vỡ nợ vào tháng 6 tới, giá trị số trái phiếu kho bạc Mỹ mà Nhật Bản và Trung Quốc sở hữu cũng sụp đổ theo.

Cùng với đó, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc bất chấp địa căng thẳng địa chính trị gia tăng. Năm 2022, thương mại Mỹ - Trung đạt mức cao kỷ lục 691 tỷ USD.

Lĩnh vực xuất khẩu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, khi các trụ cột kinh tế khác như bất động sản đã chững lại trong thời gian qua. Xuất khẩu đã đóng góp tới 1/5 GDP của Trung Quốc và cung cấp việc làm cho khoảng 180 triệu người.

“Run rẩy” chờ kết quả từ Washington

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã bày tỏ lo ngại, cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều thị trường khác nhau.

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập niên. Ảnh: Getty Images.

Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập niên. Ảnh: Getty Images.

“Ngân hàng Nhật Bản sẽ cố gắng ổn định thị trường dựa trên cam kết phản ứng linh hoạt với diễn biến kinh tế, giá cả và tài chính” - Reuters dẫn lời phát biểu của ông Ueda trước Quốc hội.

Trong khi đó, Bắc Kinh tương đối im lặng về vấn đề này. Đến ngày 23-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ “áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ có trách nhiệm”, “kiềm chế không chuyển rủi ro” sang thế giới.

Đầu tháng 5, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã có bài viết, nhấn mạnh “mối quan hệ cộng sinh” giữa các quốc gia trên thị trường trái phiếu Mỹ.

Khi đồng hồ đếm ngược đến thời điểm Mỹ có nguy cơ vỡ nợ lớn chưa từng có trong lịch sử, các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đang dõi theo trong lo sợ.

“Nếu Mỹ không trả được nợ, điều đó không chỉ làm mất uy tín của Mỹ mà còn mang lại tổn thất tài chính thực sự cho Trung Quốc” - Tân Hoa xã viết.

Dù vậy, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không thể làm gì ngoài việc chờ đợi kết quả từ Washington. Bởi vội vàng bán nợ của Mỹ sẽ chỉ là hành động “rước họa vào thân”, vì nó làm tăng đáng kể giá trị của đồng yen hoặc đồng nhân dân tệ so với USD, khiến chi phí xuất khẩu tăng vọt.

Hiện tại, Trung Quốc và Nhật Bản đang hy vọng vào “phao cứu sinh” là đề xuất ưu tiên thanh toán lãi trái phiếu cho những chủ nợ lớn nhất của một số nhà lập pháp Mỹ.

Bởi nếu đề xuất này được chấp nhận, Mỹ có thể ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ lớn gây ảnh hưởng đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản.

Kỳ vọng nữa, là ngay cả khi Mỹ cạn tiền và chính phủ nước này không thể đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của mình vào ngày 1-6 tới, khả năng Mỹ vỡ nợ có thể vẫn còn thấp.

Và nếu không có giải pháp thay thế rõ ràng để đối phó với biến động thị trường, các nhà đầu tư có thể đổi trái phiếu kỳ hạn ngắn lấy trái phiếu dài hạn hơn. Viễn cảnh này có thể có lợi cho Trung Quốc và Nhật Bản, vì cả 2 chủ yếu nắm giữ trái phiếu kho bạc dài hạn.

Các tin khác