Trung tâm đồ gỗ trong cơn khủng hoảng

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, trong đó có các DN chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) ở Bình Định - trung tâm đồ gỗ lớn của cả nước. Hiện nay, phần lớn DN CBGXK ở Bình Định phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân, có DN dừng hẳn sản xuất vì càng làm càng lỗ.

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, trong đó có các DN chế biến gỗ xuất khẩu (CBGXK) ở Bình Định - trung tâm đồ gỗ lớn của cả nước. Hiện nay, phần lớn DN CBGXK ở Bình Định phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân, có DN dừng hẳn sản xuất vì càng làm càng lỗ.

Toàn tỉnh Bình Định có 160 DN hoạt động trong lĩnh vực CBGXK, tổng công suất chế biến khoảng 345.000m3/năm, sản lượng trên 8 triệu sản phẩm/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Trong giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Bình Định đạt trên 1,08 tỷ USD (chiếm tỷ trọng gần 61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bình Định).

Thế nhưng, đa phần DN CBGXK có quy mô nhỏ; điều kiện vệ sinh, an toàn lao động còn nhiều bất cập; năng suất lao động thấp, không đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng lớn. Các DN chưa chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ mới và không chú trọng khâu thiết kế mẫu mã để chào hàng, chủ yếu gia công theo mẫu đặt hàng của khách.

Đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng công nhân kỹ thuật. Sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các DN không chặt chẽ nên không phát huy được sức mạnh tổng hợp để đứng vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu tại CTCP Gỗ Thành Danh (Bình Định).

Chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu tại CTCP Gỗ Thành Danh (Bình Định).

Do vậy, gặp khủng hoảng, các DN CBGXK phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, trong khi giá đầu ra không tăng. Theo tính toán của các DN CBGXK, chi phí đầu vào của ngành gỗ đã tăng trên 30% so với thời điểm đầu năm 2010, nhưng đầu ra không tăng, nên nhiều đơn hàng bị lỗ.

Tiếp đến, lãi suất ngân hàng quá cao (bình quân 19%/năm), trong khi lợi nhuận của ngành gỗ thấp, làm nhiều DN không dám vay vốn để sản xuất kinh doanh vì không bảo đảm trả lãi vay ngân hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, để các DN CBGXK trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển ổn định, các ngành chức năng và DN cần đẩy mạnh sản xuất mặt hàng đồ gỗ nội thất, với mục tiêu đến năm 2015 đồ gỗ nội thất chiếm 40% trong tổng sản phẩm đồ gỗ của tỉnh.

Trước mắt, để gỡ khó cho các DN CBGXK, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất của tỉnh. Cụ thể, khi DN đầu tư mới dự án sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất, ngân sách hỗ trợ 100% chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; 15% tổng chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Các DN đầu tư sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất được ngân sách hỗ trợ một lần bằng 70% kinh phí đào tạo nghề cho lao động phổ thông và 70% kinh phí thực tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất cho tổ trưởng, tổ phó tổ sản xuất. Mỗi năm, DN được hỗ trợ 2 lần thuê mướn chuyên gia tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội thất cho tổ trưởng, tổ phó tổ sản xuất…

Chính sách này được thực hiện cho đến khi các DN CBGXK Bình Định vượt qua cơn khủng hoảng, trở lại sản xuất bình thường.

Các tin khác