TTCK 2016 - Ổn định để phát triển

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2015 khép lại với VN-Index đạt 579,03 điểm, tăng 5,5% so với đầu năm. Huy động vốn qua TTCK đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội. Mặc dù trung bình thanh khoản trong năm chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên, sụt giảm 19,2% so với năm trước nhưng vốn hóa thị trường đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 14,35% so với năm 2014. Điểm đóng cửa này không được như kỳ vọng của nhà đầu tư nhưng các chuyên gia đánh giá xu hướng VN-Index vẫn chuyển biến tích cực.

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2015 khép lại với VN-Index đạt 579,03 điểm, tăng 5,5% so với đầu năm. Huy động vốn qua TTCK đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm 28% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội. Mặc dù trung bình thanh khoản trong năm chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên, sụt giảm 19,2% so với năm trước nhưng vốn hóa thị trường đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 14,35% so với năm 2014. Điểm đóng cửa này không được như kỳ vọng của nhà đầu tư nhưng các chuyên gia đánh giá xu hướng VN-Index vẫn chuyển biến tích cực.

Nhiều thăng trầm

TTCK Việt Nam năm 2015 trải qua nhiều thăng trầm do chịu nhiều tác động tiêu cực mạnh từ yếu tố bên ngoài mặc dù nền kinh tế vĩ mô có sự phục hồi và tăng trưởng khá tích cực. Các chuyên gia trong ngành đưa ra 2 yếu tố gây ảnh hưởng xấu nhất đến TTCK đó là sự sụt giảm của giá dầu và sự biến động mạnh của tỷ giá.

Giá dầu thế giới đã giảm mạnh khiến cổ phiếu dầu khí niêm yết mất giá trầm trọng gây ảnh hưởng đến thị trường. Đồng USD tăng kết hợp với hiện tượng phá giá bất thường của đồng nhân dân tệ và việc NHNN thực hiện điều chỉnh tỷ giá VND/USD trong nước đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực trên TTCK Việt Nam. Ngoài ra, kể từ quý 3-2015, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán mạnh cũng đã tạo thêm áp lực lớn cho thị trường.

 

Một điểm nhấn trong TTCK Việt Nam 2015 là Chính phủ đã chính thức mở room cho nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 6-2015 thông qua NĐ60/2014, nhưng thực tế quy định này vẫn chưa thể thực thi vì còn đợi các thông tư hướng dẫn liên quan.

Đến cuối năm 2015, chỉ có duy nhất Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thuộc khối công ty chứng khoán tại Việt Nam được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận nới room đến 100% theo nghị định này. Các DN khác vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Theo thống kê của các công ty chứng khoán, có khoảng 94% số DN trên sàn vẫn còn room nhưng chỉ có 10% trong số này hiện đang trong tình trạng đầy room. Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tham gia của dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức 8% - 15%/phiên và dòng tiền cũng khá chọn lọc, mang tính tập trung cao ở vài nhóm ngành, thậm chí vài nhóm cổ phiếu.

Cụ thể, dòng vốn ngoại tập trung ở 3 nhóm chính là: ngân hàng, dịch vụ tài chính và nhóm xây dựng - vật liệu xây dựng. Mặc dù vậy, về dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam, năm 2015 vẫn đánh dấu là một năm tích cực nếu so sánh với các thị trường khác trong khu vực, vì Việt Nam là thị trường duy nhất hút ròng vốn nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót ròng vào TTCK Việt Nam mặc dù con số này chỉ ở mức gần 2.800 tỷ đồng, giảm khoảng 13% so với năm 2014.

Khó đột phá

Trong 4 phiên đầu tiên của TTCK Việt Nam trong năm 2016 đã có đến 3 phiên giảm điểm, trong đó, VN-Index trong ngày 7-1 đã mất gần 10 điểm sau khi TTCK Trung Quốc phải ngừng giao dịch phiên thứ hai chỉ trong 4 phiên giao dịch của năm 2016.

Mặc dù không ít nhận định gần đây cho rằng, TTCK Việt Nam không chịu nhiều tác động lớn từ TTCK Trung Quốc nhưng thực tế cho thấy tâm lý bất an vẫn hiện hữu và đè nặng lên thị trường trong nước. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đều tìm cách bảo toàn cho đồng tiền của mình. Chính vì thế, TTCK trong những phiên đầu năm 2016 đã có xu hướng bán tháo của các nhà đầu tư gây áp lực khá lớn lên thị trường.

Nhận định về thị trường, ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cũng cho rằng, ngay từ đầu năm 2016, TTCK Việt Nam đã có những dấu hiệu thách thức khá rõ. Hiện có nhiều luồng quan điểm thể hiện sự quan ngại về thị trường vì những cuộc suy thoái đang chờ đợi trong năm 2016. Nhận định chung về TTCK trong năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn hơn năm 2015 vì trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chưa rõ nét, nền kinh tế trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức.

Mặc dù TTCK Việt Nam trong năm 2016 vẫn có nhiều nhân tố tích cực như: triển vọng phát triển kinh tế từ các hiệp định thương mại được ký kết như TPP, FTA; chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực thi sau khi các thông tư hướng dẫn được ban hành; sự quyết liệt của Chính phủ trong việc tái cơ cấu các DN nhà nước và đẩy mạnh việc thoái vốn... sẽ tác động tích cực lên thị trường nhưng khó có tính đột phá. Giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư tại TPHCM cũng cho rằng, hai rủi ro lớn nhất trong hoạt động TTCK năm 2016 là tỷ giá và lãi suất.

Theo vị này, câu chuyện tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư ngoại vào TTCK Việt Nam bởi tỷ suất lợi nhuận sẽ không còn hấp dẫn nếu tính về độ mất giá của VND trong thời gian qua và có thể sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới.Theo TS Đinh Thế Hiển, xét về tổng thể thì không thể kỳ vọng một sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK Việt Nam trong năm 2016 bởi nền kinh tế vẫn đang cần thời gian để khắc phục các khuyết điểm.

Các nhóm cổ phiếu chủ lực trên TTCK trong năm 2016 vẫn sẽ còn đối mặt với những khó khăn, bất ổn nên khó có thể tăng trưởng mạnh. Cụ thể, 2 nhóm cổ phiếu lớn là ngành ngân hàng và bất động sản hiện vẫn phải tiếp tục đối mặt với vấn đề trong xử lý nợ xấu và nguồn vốn đầu tư. Nhóm dầu khí sẽ vẫn còn nhiều khó khăn khi giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp.

Về phía cơ quan quản lý, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 không phải là tăng trưởng, mà là tiếp tục giữ ổn định thị trường trước nhiều yếu tố tác động bất lợi từ bên ngoài.

Ảnh hưởng TTCK Trung Quốc đóng cửa lần 2 sau khi giảm 7%, TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 7-1 chứng kiến sự bán tháo của các nhà đầu tư, VN-Index đã mất gần 10 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,21 điểm, giảm tương đương 1,6% còn 565,36 điểm với 42 mã CK tăng giá, 74 mã CK đứng giá và 194 mã CK giảm giá. VN30-Index cũng giảm mạnh 7,67 điểm, tương đương 1,3% còn 582,3 điểm với 3 mã CK tăng giá, 16 mã CK giảm giá.

Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,53 điểm, tương đương 1,95% còn 77,15 điểm với 46 mã CK tăng giá, 179 mã CK đứng giá và 154 mã CK giảm giá. HNX30-Index giảm 3,84 điểm, tương đương 2,77% còn 134,88 điểm với 3 mã CK tăng giá, 2 mã CK đứng giá và 25 mã CK giảm giá. Do lực bán tăng mạnh khiến thanh khoản thị trường tăng cao. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường khoảng 2.800 tỷ đồng.

Các tin khác