Nếu FLC và ROS bị bán tháo thì CII bị xả hàng từ thông tin Tân Hoàng Minh “lật kèo” vụ đấu giá đất vàng tại TP Thủ Thiêm.
Chuỗi bán tháo của FLC, ROS và CII kéo dài trong 10 phiên, tính từ phiên giao dịch ngày 10-1. Theo thống kê, FLC từ mức giá 22.550 đồng xuống còn 11.300 đồng, ROS từ 16.000 đồng xuống còn 7.870 đồng, CII từ 57.900 đồng xuống 34.250 đồng.
Trong phần lớn các phiên điều chỉnh trên, bộ 3 mã CP này đều nằm trong tình trạng “múa bên trăng” khiến cho NĐT như ngồi trên lửa vì không thể bán cắt lỗ.
Trên thực tế, nhóm CP này đã nhận được tín hiệu hồi phục từ phiên giao dịch ngày hôm qua (20-1), khi dòng tiền bắt đáy bất ngờ được đẩy vào. Sự xuất hiện của dòng tiền đã giúp cho lệnh bán giải chấp của 3 mã CP này nhanh chóng được “hấp thụ”.
Khi áp lực giải chấp không còn, cả 3 mã CP này nhanh chóng bật tăng mạnh trở lại trong phiên hôm nay. Tương tự, nhóm CP bất động sản sau phiên hồi phục hôm qua tiếp tục tăng mạnh nhờ đón nhận sự trở lại của dòng tiền, trong khi bên nắm giữ hạn chế bung hàng.
Cùng với bất động sản, ngân hàng cũng là nhóm ngành nhận được lực tương đối tích cực, giúp nhiều mã kết phiên trong sắc xanh. Tuy nhiên, việc dòng tiền đổ dồn vào bất động sản lại là nguyên nhân khiến cho các nhóm ngành còn lại như: dầu khí, thép, CK, thủy sản bị “hụt hơi”.
Thiếu sự đồng thuận của các nhóm ngành nên VN Index chỉ tăng nhẹ trong phiên hôm nay. Kết phiên, chỉ số này tăng 0,52%, tương đương 7,59 điểm, lên 1.472,89 điểm.
Toàn sàn HoSE có 226 mã tăng, 235 mã giảm và 47 mã đứng giá tham chiếu. Sự cân bằng cũng thể hiện trong nhóm VN30 với 16 mã tăng so với 14 mã giảm.
Thanh khoản của HoSE trong phiên hôm nay tiếp tục nằm dưới mốc 1 tỷ CP được giao dịch. Cụ thể, giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 23.000 tỷ đồng, tương đương 810 triệu CP khớp lệnh.
Tương tự, HNX Index tiếp tục ghi điểm trong phiên hôm nay dù dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Chốt phiên, HNX Index tăng 6,04 điểm lên 417, 84 điểm, giá trị giao dịch đạt gần 2.160 tỷ đồng.