Sau khoảng gần 30 phút nỗ lực níu giữ, chỉ số VN-Index dần hạ độ cao do nhiều mã không còn giữ được phong độ. Trong khi các nhóm cổ phiếu phân bón – hóa chất, dầu khí, điện vẫn nổi sóng, với điểm nhấn là trụ đỡ lớn GAS tăng mạnh mẽ, sắc đỏ đang dần lấn át thị trường khiến đà tăng của các chỉ số dần thu hẹp.
Đặc biệt là trước thời điểm khớp lệnh ATC, áp lực bán gia tăng mạnh và lan rộng thị trường khiến chỉ số VN-Index có thời điểm quay đầu điều chỉnh nhẹ trước khi hồi về vùng giá 1.290 điểm.
Mặc dù thị trường kết phiên trong sắc xanh nhưng dường như đang phát đi những tín hiệu kém tích cực khi thể hiện trạng thái xanh vỏ đỏ lòng. Số mã giảm điểm chiếm áp đảo với 315 mã, hơn gấp đôi số mã tăng trên sàn HOSE và đây là phiên thứ 4 liên tiếp chưa thể chinh phục được mốc 1.300 điểm.
Bên cạnh sự thiếu tương đồng của thị trường, một điểm đáng chú ý khác chính là xu hướng kéo trụ để xả, khi các mã lớn, đặc biệt là GAS tiếp tục có những phiên tăng tốc mạnh trong bối cảnh thị trường thiếu sự đồng thuận, cho thấy xác suất rủi ro khá cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích thì việc điều chỉnh của thị trường là khá hiện hữu, nhưng khó giảm sâu và sốc như thời điểm trước đây.
Đóng cửa, sàn HOSE có 141 mã tăng và 315 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,03 điểm (+0,16%) lên 1.290,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 589,88 triệu đơn vị, giá trị 16.942 tỷ đồng, tăng 24,5% về khối lượng và 31,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 3/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48,32 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.643 tỷ đồng.
Cổ phiếu GAS dù không giữ được vùng giá cao nhất trong ngày nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận một phiên tăng tốt. Đóng cửa, GAS tăng 4,6% lên mức 129.900 đồng/CP, đây cũng là đỉnh lịch sử vừa được xác lập của GAS.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ tốt cho thị trường giữ nhịp tăng là MSN tăng 3,7% lên mức giá cao nhất ngày 117.000 đồng/CP, PLX tăng 3,2% lên 44.900 đồng/CP, VCB tăng 2,8% lên 79.700 đồng/CP, SAB tăng 2,1% lên 158.500 đồng/CP. Ngoài ra, MWG, VNM, GVR, VJC tăng nhẹ trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, bên cạnh hàng loạt mã ngân hàng đảo chiều giảm sâu hơn, nhiều mã lớn cũng mất điểm như FPT, SSI, VIC, NVL, HPG…
Xét về nhóm ngành, trong khi cổ phiếu đầu dòng bank – VCB đi ngược xu hướng chung khi có phần nới nhẹ biên độ trong phiên chiều với mức tăng 2,84% lên 79.700 đồng/CP, MSB giữ được sắc xanh nhạt, còn lại đều quay đầu điều chỉnh.
Cụ thể, TPB giảm 3,6%, STB giảm 3,1%, SHB giảm 2,77%, TCB giảm 1,1%, các mã CTG, MBB, VPB, BID, HDB, SSB, EIB đều giảm trên dưới 0,5%.
Nhóm chứng khoán cũng trở nên kém tích cực với sắc đỏ chiếm áp đảo như SSI, HCM, VND, VIX, VDS, CTS, AGR… Điểm sáng BSI không giữ được sắc tím nhưng vẫn là một trong số ít mã tăng tốt của ngành. Kết phiên, BSI tăng 6,2% lên mức 30.200 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Bên cạnh HPG quay đầu điều chỉnh nhẹ, các mã khác cũng mất điểm như HSG giảm 2,7%, NKG giảm 4,6%, TLH và SMC giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản với sắc đỏ bao phủ trên diện rộng. Đáng kể nhiều mã như DIG, DXG, HBC, FLC, ROS giảm sàn, trong đó cặp FLC và ROS chỉ giao dịch phiên chiều nhưng lực cầu tham gia cũng tích cực giúp bộ đôi có thời điểm thoát sắc xanh mắt mèo với khối lượng khớp lệnh lớn, trên dưới 15 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu DXG cũng chứng kiến phiên tháo chạy. Mặc dù có thời điểm DXG giao dịch khởi sắc nhưng áp lực bán tăng mạnh trong phiên chiều khiến cổ phiếu này nằm sàn về mức giá 23.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 19,8 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau POW (khớp 24,93 triệu đơn vị).
Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành đi ngược xu hướng chung của thị trường. Đó chính là bộ đôi điện và phân bón – hóa chất. Ở nhóm điện, cặp PC1 và NT2 vẫn trong trạng thái trắng bên bán và chốt phiên tại mức giá trần, EMC tăng 5,4%, VSH tăng 4,1%, THI tăng 3,7%, GEG tăng 4,3%, TMP tăng 3,7%, TV2 tăng 3%, SHP tăng 2,6%...
Trong nhóm phân bón, DCM và DPM không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh, tương ứng 6,3% lên 43.250 đồng/CP và tăng 5,6% lên 67.500 đồng/CP, BFC tăng 5,3%, DGC tăng 2,6% lên 118.100 đồng/CP.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh cuối phiên cũng khiến HNX-Index giật mạnh về dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 3,66 điểm (-1,18%), xuống 306,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,24 triệu đơn vị, giá trị 1.708,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,66 triệu đơn vị, giá trị 164,78 tỷ đồng.
Mặc dù biên độ thu hẹp đáng kể nhưng TAR vẫn là mã tăng tốt nhất trong rổ HNX30 và ghi nhận phiên giao dịch tích cực. Kết phiên, TAR tăng 3,3% lên mức 27.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt gần 1,74 triệu đơn vị.
Nhóm HNX30 đã trở thành gánh nặng chính của thị trường trong phiên chiều đầu tuần khi ngoài TAR, chỉ thêm 7 mã khác tăng nhẹ trên dưới 1%, còn lại có tới 22 mã giảm điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm gần 10 điểm, xuống dưới mốc 560 điểm.
Trong đó, CEO bị bán mạnh về cuối phiên và đóng cửa giảm 6,3% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 40.000 đồng/CP. Nhiều mã khác cũng tìm về vùng giá thấp nhất trong phiên như L18 giảm 6,3% xuống 34.000 đồng/CP, IDC giảm 4,9% xuống 50.100 đồng/CP, HUT giảm 2,8% xuống 30.700 đồng/CP, THD giảm 2,4% xuống 40.200 đồng/CP…
Cổ phiếu dầu khí PVS hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 1%, đóng cửa tại mức giá 31.500 đồng/CP, nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với 13,87 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đứng ở vị trí thứ 2 là SHS khớp gần 8,1 triệu đơn vị nhưng cũng như nhiều mã trong nhóm chứng khoán khi quay đầu điều chỉnh trước áp lực bán gia tăng và kết phiên giảm 1,6% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 17.900 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã KLF, ART, BII đều đóng cửa ở mức giá sàn; IDJ giảm 3,1%...
Trên UPCoM, thị trường cũng trong xu hướng giảm điểm.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,29%), xuống 93,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,71 triệu đơn vị, giá trị 1.736,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị 99,88 tỷ đồng.
Cặp đôi dầu khí BSR và OIL đã ghi nhận phiên giao dịch tăng mạnh mẽ. Trong đó, BSR kết phiên tăng 10,1% lên mức 30.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, lên tới gần 38,3 triệu đơn vị khớp lệnh; còn OIL tăng 3,5% lên 14.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 3,24 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhiều mã lớn khác quay đầu giảm điểm như VGT giảm 3,5%, ACV giảm 1,2%, VEF giảm 2,4%, VGI, MCM và FOX giảm nhẹ…
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, SBS là điểm sáng ngành khi giữ vững mức giá trần với thanh khoản bùng nổ. Kết phiên, SBS tăng 14,3% lên 10.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 4,9 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tương lai nhích nhẹ, trong đó VN30F2206 đáo hạn gần nhất giảm 3,5 điểm (-0,3%) xuống 1.315 điểm, khớp lệnh hơn 224.780 đơn vị, khối lượng mở gần 30.310 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chi phối, tuy nhiên CPOW220 dẫn đầu thanh khoản với gần 1,58 triệu đơn vị khớp lệnh kết phiên tăng 9,8% lên mức 450 đồng/CQ.