Cùng với thị trường thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua, từ 13-17/1 đã có diễn biến tích cực và nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính giúp thị trường tăng trưởng.
Dù vậy, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, diễn biến phiên cuối tuần cho thấy thị trường sắp điều chỉnh trở lại, đà tăng đã có dấu hiệu chậm lại và đa số các cổ phiếu có dấu hiệu sẽ điều chỉnh trở lại trong phiên giao dịch tới.
Thực tế, thị trường đã có tuần thứ 4 liên tiếp tăng điểm và VN-Index vượt thành công vùng tích lũy trong sáu tuần (từ 950-970 điểm).
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch qua, VN-Index tăng 10,42 điểm (1,1%) lên 978,96 điểm; HNX-Index tăng 1,661 điểm (1,6%) lên 103,88 điểm.
Dù vậy, thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần, chỉ khoảng hơn 3.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 13% xuống 16.279 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,2% xuống 813 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 16,2% xuống 1.448 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,3% xuống 124 triệu cổ phiếu.
Thực tế, việc thanh khoản giảm cũng là điều dễ hiểu, đúng với quy luật các năm trước đó. Thanh khoản trên thị trường sẽ càng trở nên cạn kiệt khi Tết Nguyên đán đang đến gần vì tâm lý nghỉ ngơi của giới đầu tư.
Nhóm ngành ngân hàng tuần qua là điểm sáng và giúp thị trường năm nay có vẻ sôi động hơn mọi năm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tuần qua là động lực chính giúp thị trường hồi phục. Cụ thể, VCB tăng 5,6%, BID (4,3%), CTG (5,9%), MBB (2,8%), VPB (4%), HDB (1,6%), SHB (2,8%), ACB (4,8%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, có lẽ cần có thời gian “nghỉ ngơi” và nguy cơ điều chỉnh trong tuần tới có thể diễn ra.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành thép cũng tăng trưởng tích cực, hầu hết các mã cổ phiếu trụ cột trong ngành này tăng mạnh như: HPG tăng 3,3%, HSG (4,3%), NKG (10,6%)...
Trong khi đó, cổ phiếu ngành dầu khí đồng loạt giảm sâu. Cổ phiếu GAS giảm cả tuần gới mức giảm 2,7%, POW cũng giảm 2,7%, PVD giảm 3,3%, PVB giảm 0,5%, PVS giảm 2,8%, BSR giảm 6,3%...
Giá cổ phiếu dầu khí thường tương đồng với giá dầu thế giới, trong khi đó, tuần qua là tuần thứ 2 liên tiếp dầu giảm giá. Trong khi giá dầu Brent giảm khoảng 0,2%, thì giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm gần 0,9% trong tuần qua.
Xét đến nhóm cổ phiếu họ Vingroup đang có những diễn biến lình xình. Cụ thể, VIC gần như đi ngang khi chỉ tăng nhẹ 0,1%, VHM tuy tăng mạnh phiên đầu tuần (2,1%), nhưng sau đó lại giảm nhẹ trở lại và chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi VRE giảm tới 4%.
Xét đến các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành thực phầm - đồ uống cũng đang có dấu hiệu điều chỉnh. VNM phiên đầu tuần tăng tới 2,1% sau đó thì chỉ đi ngang và giảm giá nhẹ. SAB cứ có 1 phiên tăng thì sẽ có một phiên giảm và cổ phiếu này cũng chỉ tăng nhẹ 0,4% trong tuần qua, trong khi MSN giảm mạnh tới 2,6%.
Nhìn nhận về diễn biến thị trường tuần qua, nhóm phân tích tới từ VNDIRECT cho rằng, nhiều cổ phiếu có dấu hiệu chững lại do thiếu dòng tiền thúc đẩy giá tăng.
Điều này gợi mở về khả năng điều chỉnh nhẹ và tích lũy trở lại trong các phiên giao dịch đầu tuần tới, nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường trong xu hướng tăng giá.
Thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ với Trung Quốc giúp thị trường toàn cầu khởi sắc khi viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu bớt “u ám” hơn.
Cụ thể, thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên cuối tuần qua 17/1, giữa bối cảnh các nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng toàn cầu, trong khi vẫn nhận được sự hỗ trợ từ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,5% lên 24.041,26 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6% lên 29.056,42 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải nhích 0,1% lên 3.075,50 điểm.
Chứng khoán Seoul tăng 0,1% và chứng khoán Đài Bắc tiến 0,2%. Chứng khoán Mumbai, Bangkok, Wellington và Manila cũng hòa chung xu hướng này.
Đà tăng trên thị trường chứng khoán diễn ra giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cũng như các nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu cải thiện, lãi suất thấp, nhiều quốc gia triển khai các biện pháp kích thích kinh tế và những lo ngại về Brexit lắng xuống.
Bên cạnh đó, triển vọng về mùa báo cáo lợi nhuận khả quan từ các doanh nghiệp đã góp phần “tiếp thêm sức” cho thị trường chứng khoán.
Ba chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đã ghi nhận các mức cao kỷ lục trong phiên 16/1 sau khi Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mới, Trong khi đó Alphabet, công ty mẹ của Google đã gia nhập “câu lạc bộ doanh nghiệp nghìn tỷ USD” cùng với Apple và Microsoft.
Mới đây, Trung Quốc đã công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tăng trưởng 6,1% trong năm 2019. Mặc dù đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong ba thập niên qua và thấp hơn mức tăng trưởng 6,6% của năm 2018, song vẫn phù hợp với dự báo và mục tiêu của chính phủ.
Xét đến các yếu tố vĩ mô trong nước, thị trường chứng khoán thực tế đang ở giai đoạn thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ.
Dù vậy, các nhà phân tích tới từ VNDIRECT hy vọng thông tin kết quả kinh doanh được công bố của một số doanh nghiệp trong tuần tới sẽ tạo ra những điểm sáng riêng biệt cho một số cổ phiếu.
Tuần qua, việc khối ngoại mua ròng đã có tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua ròng là 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là thời điểm khá nhạy cảm khi chỉ còn 3 phiên nữa là thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết.
Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái ổn định nhưng có phần kém sôi động do thời điểm cận Tết. Áp lực chốt lời ngắn hạn cũng có dấu hiệu gia tăng ở nhóm những cổ phiếu đã tăng nhiều trong thời gian qua. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục giằng co nhẹ trong những phiên cuối cùng trước Tết.