Cú “bổ nhào” lịch sử
Giai đoạn 2006-2007, TTCK Việt Nam được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất thế giới, khi VN Index vượt ngưỡng 1.100 điểm. Tại thời điểm cuối năm 2007, vốn hóa của TTCK đạt 30 tỷ USD, chiếm 40% GDP.
Đây là một trong những yếu tố để giới đầu tư kỳ vọng về sự “bùng nổ” của TTCK trong năm 2008, với dự báo vốn hóa thị trường đạt 40 tỷ USD, tương đương 60% GDP. Thực tế, TTCK trong tháng đầu tiên của năm 2008 diễn ra đúng như kỳ vọng của giới đầu tư, khi liên tục ghi nhận những phiên tăng điểm khá ấn tượng.
Thế nhưng, kể từ tháng 2, TTCK bắt đầu “ngấm đòn” từ những hoạt động sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) trong năm 2007. Đây là lần đầu tiên NĐT trong nước biết thế nào là hoạt động bán giải chấp cổ phiếu (CP) và hiện tượng “múa bên trăng”.
Đó là khi các công ty chứng khoán (CTCK) kê lệnh bán giá sàn với số lượng hàng triệu đơn vị, trong khi bảng điện bên mua không có bất kỳ lệnh đối ứng. Từ sự ngỡ ngàng ban đầu, NĐT rơi vào trạng thái hoảng loạn, và đỉnh điểm nhiều NĐT kéo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) yêu cầu cơ quan này có giải pháp can thiệp.
Để hạn chế đà lao dốc của TTCK, Bộ Tài chính và UBCKNN đưa ra các giải pháp thay đổi, như giảm biên độ giao dịch của HoSE từ 5% xuống còn 1%, HNX từ 10% xuống còn 2%. Bộ Tài chính còn “bật đèn xanh” cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được phép tham gia mua CP để bình ổn thị trường; các ngân hàng thương mại và CTCK được vận động ngừng giải chấp; kêu gọi các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua CP quỹ. Các giải pháp này dù chỉ là ngắn hạn nhưng cũng nhanh chóng mang lại hiệu quả cho TTCK, khi VN Index có mức phục hồi từ 370 điểm lên 561 điểm.
Tuy nhiên, đúng lúc thị trường đang có triển vọng phục hồi bền vững hơn, khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu “phát nổ”, với việc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ phá sản. Sự kiện chấn động toàn cầu này ngay lập tức tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, khi lạm phát và lãi suất bật tăng mạnh. TTCK cũng bị tác động tiêu cực với nhiều phiên giao dịch ghi nhận mức giảm đạt trên 4%.
Có thể nói, đây là mức giảm kinh hoàng, bởi thời điểm đó biên độ giao dịch của HoSE là 5%. Sự kiện này tiếp tục tác động tiêu cực TTCK đến tháng 3-2009. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2008, VN Index sụt giảm gần 35% và tiếp tục “bốc hơi” thêm 22% trong 3 tháng đầu năm 2009. Đến thời điểm cuối năm 2008, vốn hóa TTCK giảm xuống còn 13 tỷ USD, tương đương 17% GDP.
Lịch sử khó lặp lại, nhưng…
Lịch sử khó lặp lại, nhưng…
Đó là câu chuyện của cách đây 14 năm và với những lý do khiến VN Index “bổ nhào” khá tương đồng với những bất lợi của TTCK ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cái khác ở đây chính là nền tảng cơ bản của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều so với quá khứ.
Chẳng hạn, tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP là 38%, mức trung bình so với các nước khu vực châu Á. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia chỉ bằng khoảng 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Khác với cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998 bắt đầu từ Thái Lan, khi phần lớn nợ vay nước ngoài của Thái Lan, Hàn Quốc đến từ dòng tiền nóng được đầu tư vào tài sản rủi ro, trong khi khả năng chống chịu của nền kinh tế thấp, còn dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam hiện tại từ nợ ngắn hạn chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại phần lớn là vốn trung và dài hạn.
Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tích cực, dự trữ ngoại hối dù đã giảm nhưng vẫn trong mức khuyến nghị. Do đó, rủi ro đổ vỡ đối với quy mô toàn nền kinh tế rất thấp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ đã giảm dần trong 5 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống 43% và nợ Chính phủ 142 tỷ USD, tương ứng 39% sau khi thay đổi cách tính GDP. Trong đó, nguồn vay của Chính phủ phần lớn đến từ các kênh trong nước, chiếm khoảng 90%, và 10% lượng huy động còn lại là khoản vay nước ngoài (WB, ADB và Nhật Bản) với kỳ hạn 20-30 năm, lãi suất ưu đãi 1-2%/năm. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức 21,8%, thấp hơn mức trần 25% của Quốc hội.
Bên cạnh đó, CDS của trái phiếu (TP) Chính phủ Việt Nam (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng - phản ánh rủi ro vỡ nợ của Chính phủ) dù tăng so với 2021, để phản ánh các lo ngại của NĐT toàn cầu về triển vọng các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam, vẫn ở mức thấp so với lịch sử. Nhìn chung, chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức cho phép.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, rủi ro đáng lo ngại hơn cả là TPDN. Nguyên nhân chính đến từ việc phát hành bùng nổ thời gian qua nhưng quá trình phát hành, tài sản đảm bảo, phương thức phân phối tồn tại nhiều vấn đề, sai phạm. Tâm lý NĐT hiện rất thận trọng với TPDN phát hành mới, trong khi lượng TP đáo hạn giai đoạn từ nay đến năm 2024 là rất lớn.
Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), rủi ro đặc biệt đối với ngành bất động sản (BĐS) khi phần lớn dư nợ TP được phát hành bởi các DN BĐS, trong khi thị trường BĐS hiện đang gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh lãi suất tăng cao, rủi ro suy giảm kinh tế. Rủi ro cao hơn theo đánh giá của KBSV sẽ gia tăng trong năm 2023 đối với các DN không cơ cấu lại được nợ, khi dòng tiền hiện tại chủ yếu đã được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Nhiều DN BĐS hiện đã phải bắt đầu hạ giá bán hay bán lại chính các dự án của mình để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ. Các nhà hoạch định chính sách cũng đang lên phương án hỗ trợ thị trường TPDN nhưng chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra, và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm xử lý rủi ro trên.
Việc đổ vỡ từ thị trường TPDN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tài chính và nền kinh tế. Kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có các biện pháp để giúp ổn định thị trường TPDN, giúp tránh xảy ra cuộc đổ vỡ đáng tiếc trên thị trường. |