TTCK đang là kênh huy động vốn quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt góp phần vào quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hiện TTCK vẫn chưa đủ độ hấp dẫn, bởi ngoài công cụ đầu tư cơ bản những sản phẩm mới như CK phái sinh vẫn chưa thể vận hành.
Cũ người mới ta
Trên thế giới, thuật ngữ CK phái sinh (derivatives) đã có hàng thế kỷ và công cụ phái sinh được sử dụng phổ biến trong hoạt động thương mại, đầu tư tài chính. Các loại phái sinh ngày nay rất đa dạng nhưng cơ bản gồm 3 loại chính: hợp đồng tương lai (futures), chứng quyền (warrant) và quyền chọn (options).
Tại Việt Nam, các sản phẩm phái sinh đã xuất hiện trên thị trường cách đây 13 năm. Các giao dịch quyền chọn ngoại tệ, lãi suất và vàng được xem là những công cụ phái sinh được thị trường đón nhận.
Theo Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), thông thường tất cả NĐT đều bị thiệt hại khi TTCK đi xuống. Tuy nhiên, khi CK phái sinh ra đời (hợp đồng tương lai), NĐT vẫn có thể thu được lợi nhuận nếu dự báo đúng về thị trường trong tương lai bằng lệnh mua/bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30. |
Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên được phép thực hiện giao dịch quyền chọn lãi suất. Sau đó có thêm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Từ đó hàng loạt mô hình phái sinh lần lượt ra đời như: sàn giao dịch hạt điều, cà phê, cao su, sắt thép… Tuy nhiên, các hoạt động trên vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể và hoạt động của các sàn giao dịch chưa thu hút được sự chú ý của NĐT.
Đối với lĩnh vực CK, các quy định hiện hành chưa cho phép NĐT cũng như CTCK được giao dịch CK phái sinh. Tuy nhiên, do lợi nhuận nhiều CTCK đã tìm cách lách luật để triển khai các sản phẩm giao dịch mới như: hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai chỉ số…
Điển hình là cuối năm 2010, CTCK Vndirect đưa vào thử nghiệm sản phẩm quyền chọn với danh mục CP được sử dụng bao gồm 20 mã có thanh khoản cao trên cả 2 sàn giao dịch.
Một trường hợp khác là Công ty Vàng thế giới ra mắt sản phẩm có tên gọi “VTG-VNIndex”, lấy biến động của VN Index làm căn cứ xác định. Khi đầu tư vào sản phẩm này, NĐT sẽ đạt được tỷ suất sinh lợi bằng với tỷ lệ tăng trưởng của VN Index. Đây được xem là một dạng của CK phái sinh (hợp đồng tương lai chỉ số CK).
Cần cơ sở pháp lý
Theo TS. Trần Quốc Tuấn, CK phái sinh là sản phẩm được hình thành trên tài sản cơ sở là CK. Do vậy, những rủi ro trên tài sản cơ sở cũng sẽ tác động ngược lại lên các công cụ phái sinh. Đơn cử là rủi ro khi giá tài sản cơ sở biến động bất lợi ngoài dự kiến sẽ tác động trực tiếp lên giá của công cụ phái sinh.
Và khi thay đổi này không cùng xu hướng dự đoán của NĐT, tổn thất sẽ xảy ra. TTCK phái sinh là thị trường có hiệu ứng đòn bẩy tài chính cao. Chính vì vậy, các khoản thua lỗ sẽ nhân lên gấp nhiều lần so với giá trị ký quỹ nên NĐT luôn được yêu cầu nộp ký quỹ bổ sung khi giá CK giảm.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu nộp ký quỹ bổ sung, hợp đồng có thể bị đóng và thiệt hại của NĐT càng thêm nặng nề. Bên cạnh đó là những rủi ro như: rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hệ thống, rủi ro vận hành.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những rủi ro nếu xây dựng được hệ thống văn bản pháp lý. Thực tế, hầu hết các quốc gia thành công với CK phái sinh đều có phương án xây dựng khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh sau đó mới tiến hành thiết lập và vận hành.
Ngoài yếu tố chính này, để CK phái sinh phát huy được hiệu quả, cần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng tính phức tạp và thanh khoản của giao dịch phái sinh: Xây dựng quy trình quản lý rủi ro của doanh nghiệp hiệu quả; đào tạo và phổ cập kiến thức cho NĐT về TTCK phái sinh.
![]() |
CK phái sinh có vai trò rất quan trọng trên TTCK. |
Thực tế, cơ quan quản lý như UBCKNN cũng ủng hộ việc xây dựng TTCK phái sinh. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho rằng muốn TTCK phát triển có chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận những khái niệm và giá trị mới đó là TTCK phái sinh.
Tuy nhiên, để xây dựng TTCK phái sinh hiệu quả cần 5 điều kiện căn bản: bám sát chuẩn mực quốc tế, thiết lập khung quản lý, có lộ trình rõ ràng và được thể chế hóa, bảo đảm khả năng quản lý rủi ro, tính khả thi. Theo chuyên gia CK người Nhật Bản Yuta Seki, chúng ta không nên quá lo lắng về rủi ro mà e ngại triển khai CK phái sinh.
Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, nếu triển khai mô hình này theo hướng phát huy tối đa mặt tích cực, đồng thời giảm thiểu mặt tiêu cực sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường cơ bản phát triển theo hướng tăng thanh khoản, thậm chí giảm rủi ro.