TTCK: Tái cấu trúc theo mô hình mới

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã vận hành hơn 10 năm nhưng sức hấp dẫn giới đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa thực hiện tốt sứ mệnh huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Phải chăng thời gian qua cơ quan quản lý chưa quan tâm đúng mức đến thị trường này? Nhân dịp năm mới, ĐTTC  có cuộc trao đổi với TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), về vấn đề này.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã vận hành hơn 10 năm nhưng sức hấp dẫn giới đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa thực hiện tốt sứ mệnh huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Phải chăng thời gian qua cơ quan quản lý chưa quan tâm đúng mức đến thị trường này? Nhân dịp năm mới, ĐTTC  có cuộc trao đổi với TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - TTCK nước ta không tránh khỏi tác động của TTCK thế giới do khủng hoảng. Vậy thời điểm này có nên tái cấu trúc TTCK và định hướng tái cấu trúc ra sao?

TTCK: Tái cấu trúc theo mô hình mới ảnh 1

- TS. TRẦN ĐẮC SINH: - TTCK Việt Nam mới được xếp vào loại “frontier market” chứ chưa được xếp hạng “emerging market” như thị trường của Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của TTCK thế giới do khủng hoảng và chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô, thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ, khiến TTCK chưa được đặt đúng vị trí quan trọng của nó trong nền kinh tế.

Xét về nội tại, TTCK cũng bộc lộ nhiều điểm yếu và phải đối mặt với nhiều thách thức khi khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thanh khoản yếu kém, cung cầu hàng hóa và các tiện ích giao dịch còn đơn điệu, tính minh bạch chưa cao.

Chính vì vậy, đây là thời điểm nên xúc tiến tái cấu trúc TTCK Việt Nam để gia tăng sự cạnh tranh và tính chuyên nghiệp so với TTCK các nước trong khu vực.

Trong đề án tái cấu trúc TTCK giai đoạn 2011-2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đề xuất các phương án tái cấu trúc thị trường như sáp nhập thành một Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK), hoặc thành lập một công ty mẹ sở hữu vốn của 2 SGDCK.

Phương án thành lập một SGDCK được ưu tiên xem xét vì những ưu điểm vượt trội so với các phương án khác và phù hợp xu hướng phát triển của các thị trường trên thế giới. Các phương án xử lý khi sáp nhập 2 sở đã được tính đến và hiện chưa thấy lỗ hổng pháp lý nào trong vấn đề sáp nhập.

- Nhiều chuyên gia cho rằng HOSE nên có những điều kiện niêm yết cao hơn và chặt chẽ hơn để đưa hàng hóa đúng nghĩa “chất lượng cao lên sàn”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Việc nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà SGDCK phải hướng tới. Vừa qua, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đã được UBCKNN soạn thảo và lấy ý kiến, có đề cập đến nội dung nâng cao điều kiện niêm yết theo hướng khắt khe hơn về tiêu chí lợi nhuận, thời gian hoạt động và mức độ đại chúng của doanh nghiệp niêm yết tại các SGDCK.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn lên sàn HOSE phải là công ty cổ phần có vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên, tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, hoạt động kinh doanh của 2 năm liền kề năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất tối thiểu 5%, tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Với điều kiện niêm yết mới này, hy vọng sẽ sàng lọc được những cổ phiếu tốt, nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tăng uy tín cho thị trường.

Để hàng hóa đúng nghĩa chất lượng cao, ngoài các điều kiện đầu vào để được niêm yết, cần có những quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ công ty niêm yết phải tuân thủ để đảm bảo được tiếp tục niêm yết, bao gồm các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty.

Về vấn đề công bố thông tin, UBCKNN đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo thay thế Thông tư 09 hiện tại. Theo đó, nghĩa vụ công bố thông tin của các công ty sẽ khác nhau theo từng đối tượng.

Chẳng hạn công ty đại chúng quy mô lớn có vốn 120 tỷ đồng và 300 cổ đông trở lên sẽ phải chịu các quy định về công bố thông tin khá chặt chẽ, như báo cáo tài chính năm được kiểm toán bởi công ty kiểm toán được chấp thuận; báo cáo tài chính bán niên có sự soát xét của tổ chức kiểm toán được chấp thuận; bổ sung báo cáo vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm; báo cáo tài chính phải thể hiện song ngữ.

Công ty có vốn trên 30 tỷ đồng và dưới 300 cổ đông, quy định sẽ nhẹ hơn, như không phải công bố thông tin về báo cáo tài chính bán niên; không yêu cầu báo cáo bằng tiếng Anh; các công ty đại chúng khác báo cáo tài chính năm chỉ cần có sự tham gia của kiểm toán độc lập.

Như vậy, quy chiếu với điều kiện niêm yết mới nêu trên, các công ty có quy mô vốn trên 120 tỷ đồng niêm yết trên HOSE sẽ phải chịu nghĩa vụ công bố thông tin khắt khe hơn so với các nhóm công ty còn lại và cũng đồng nghĩa rằng hàng hóa niêm yết trên HOSE phải đúng nghĩa “chất lượng cao”.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác