Áp lực bán gia tăng
Sau khi kết thúc mùa công bố KQKD quý III trong tháng 11, TTCK bước vào giai đoạn khan hiếm thông tin vào tháng 11. Áp lực bán có thể sẽ gia tăng khi thị trường có tín hiệu điều chỉnh vào tuần thứ 3 của tháng 10 sau khi chạm ngưỡng 960 điểm.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), đây là tín hiệu bình thường khi VN Index đã có mạch hồi phục khá dài từ tháng 3 với mức 660 điểm và tăng 40% lên mức 925,5 điểm tại thời điểm cuối tháng 10.
Đáng chú ý, dòng tiền của NĐTNN cũng ảnh hưởng đến quan điểm của VDSC khi đưa ra dự báo này. Bất chấp thông tin từ MSCI, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh trong tháng 10 khi giá trị bán ròng đạt mức cao nhất trong 6 tháng. Do đó, dòng tiền từ các NĐTNN sẽ không phải là yếu tố hỗ trợ cho TTCK trong bối cảnh hiện tại.
Theo thống kê, trong tháng 10, khối ngoại quay trở lại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị lên đến 6.500 tỷ đồng (tăng 44% so với tháng trước), đưa tháng 10 trở thành tháng bán ròng lớn nhất trong 6 tháng qua. Trong đó, nhóm CP VN30 bị bán ròng 3.400 tỷ đồng, tương đương 76% giá trị bán ròng của VN Index qua giao dịch khớp lệnh.
Những mã bị bán ròng mạnh qua khớp lệnh có thể kể đến như: MSN (2.946 tỷ đồng), VNM (629 tỷ đồng), CTG (604 tỷ đồng), VRE (284 tỷ đồng), VHM (271 tỷ đồng), BID (196 tỷ đồng), HDB (186 tỷ đồng), POW (179 tỷ đồng), KDH (135 tỷ đồng) và TCB (132 tỷ đồng).
Phía ngược lại, khối ngoại mua ròng chủ yếu DXG (122 tỷ đồng), VCB (112 tỷ đồng), DCM (102 tỷ đồng), GVR (99 tỷ đồng), BVH (64 tỷ đồng), VHC (63 tỷ đồng), FUEVFVND (43 tỷ đồng), GIL (35 tỷ đồng), STB (32 tỷ đồng) và SSI (32 tỷ đồng).
Các quỹ ETF ngoại có kết quả không tích cực khi VNM ETF và KIM ETF ghi nhận giá trị rút ròng lần lượt 3,1 triệu USD và 1,2 triệu USD. MSCI Vietnam ETF (Hồng Kông) không ghi nhận hoạt động nào đáng kể trong khi FTSE Vietnam ETF (châu Âu) có giá trị hút ròng tương đối thấp vào khoảng 0,9 triệu USD.
Các quỹ ETFs trong nước có kết quả trái chiều, E1VFVN30 ghi nhận giá trị rút ròng 7 triệu USD, trong khi FUEVFVND và FUESSVFL ghi nhận giá trị tăng ròng 8,8 triệu USD và 0,3 triệu USD.
Yếu tố giữ chân dòng tiền
Mặc dù vậy, trong thời gian tới, các dữ liệu kinh tế vĩ mô, vốn đang cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau các tác động của đại dịch Covid-19, cùng với mặt bằng lãi suất thấp sẽ là bước đệm an toàn giữ chân dòng tiền trong thị trường.
Ngoài ra, diễn biến kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2020 cũng sẽ là sự kiện lớn được theo dõi trong tháng này. Theo lịch trình, Quốc Hội sẽ thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 và quan trọng hơn là xây dựng kế hoạch cho các chỉ tiêu kinh tế lớn giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025).
Trong đó, các vấn đề ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn và cải cách kinh tế sẽ là những nội dung quan trọng được giới đầu tư chú ý bởi tính chất định hướng đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2021 sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 11-11. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% vào năm 2021, so với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 2-3% năm 2020 sau những bất ổn từ đại dịch Covid-19.
Dù vậy, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu khá tham vọng cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7%. Việc thông qua những chỉ tiêu kinh tế lạc quan hơn trong giai đoạn 2021-2025 cũng như cam kết hành động của Chính phủ sẽ phần nào có tác động tốt đến tâm lý của thị trường tháng này.
Với những phân tích trên, giới đầu tư không kỳ vọng TTCK sẽ có sự bứt phá trong tháng 11. Thế nhưng, đây là thời điểm phù hợp để NĐT bắt đầu sàng lọc và tích lũy những mã CP hay nhóm ngành có “điểm rơi” lợi nhuận trong quý IV, cũng như có triển vọng tích cực hơn trong năm 2021.
Theo VDSC, trong ngắn hạn cơ hội vẫn hiện hữu, nhưng sẽ bị giới hạn ở một nhóm nhỏ CP có “câu chuyện” riêng. NĐT nên cân nhắc giữa các yếu tố trên khi lựa chọn CP của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ, bất động sản, ngân hàng. Đây là những ngành có thể dẫn dắt sự lạc quan của thị trường trong tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.