Trong thời gian vừa qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN)công bố ý định hủy niêm yết như DCC, TRI, MKP, IFS, SGT, SQC, V11 và S27. Việc các DN tự nguyện hủy niêm yết cho thấy cả giới đầu tư lẫn DN đang quay lưng với thị trường vốn, đồng thời bộc lộ những yếu kém trong khâu quản lý nhà nước đối với TTCK.
Chế tài khi hủy niêm yết tự nguyện
Một DN khi tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm mục đích phát huy vai trò huy động vốn trên TTCK. Bên cạnh đó là những lợi ích khác như tạo nên sự minh bạch trong hoạt động của công ty, xây dựng thương hiệu…
Khi TTCK hoạt động bình thường, các công ty niêm yết thường muốn được duy trì niêm yết để tận dụng các lợi thế của thị trường vốn. Khi thị trường tuột dốc, các DN viện dẫn xin hủy niêm yết do không huy động được vốn từ TTCK trong khi giá CP sụt giảm đã ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty (ngân hàng hạn chế cho vay vì e ngại DN có vấn đề nên giá CP mới xuống thấp).
Không những thế, việc giá CP xuống thấp cũng khiến cho nguy cơ bị thâu tóm tăng cao. Trong khi lợi ích chẳng thấy đâu, DN phải tốn chi phí trong việc công bố thông tin, duy trì niêm yết.
Thật đáng buồn khi TTCK tuột dốc người ta xem như là "đứa con rơi". Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nhìn ở khía cạnh ngược lại, cũng có thể DN muốn lợi dụng chuyện hủy niêm yết rồi sau này tái niêm yết để hưởng lợi ích từ việc định giá lại giá thị trường. Hoặc có thể các DN muốn hủy niêm yết nhằm cắt giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, sau này khi tình hình thuận lợi mới niêm yết trở lại.
Rõ ràng những toan tính kiểu như vậy vô hình trung tạo nên sự “vô kỷ luật” trên sàn niêm yết. Thiệt hại không ai khác trong mỗi lần hủy niêm yết là các cổ đông nhỏ, vì CP bị mất đi tính thanh khoản. Vì vậy, nếu TTCK tiếp tục ảm đạm như hiện nay nguy cơ một làn sóng xin hủy niêm yết có thể xảy ra.
Việc tự nguyện hủy niêm yết là vấn đề riêng của DN khi họ nhận thấy không có lợi ích từ việc duy trì niêm yết, nhưng đứng ở góc độ quản lý đây là một vấn đề cần được kiểm soát.
Một sàn chứng khoán không phải là cái chợ để “muốn đến thì đến, muốn đi thì đi”. Nếu không có sự kiểm soát, làn sóng hủy niêm yết sẽ khiến hình ảnh và thương hiệu của TTCK Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, rất cần một chế tài cho vấn đề hủy niêm yết tự nguyện.
Chẳng hạn, nếu một DN hủy niêm yết tự nguyện sẽ không được sớm tái niêm yết. Trong khi DN bị hủy niêm yết bắt buộc do những nguyên nhân khách quan có thể được phép sớm tái niêm yết nếu như đáp ứng được những quy định của nhà quản lý.
Hủy niêm yết bắt buộc để tạo “đẳng cấp” sàn CK
Ở Hoa Kỳ, việc hủy niêm yết bắt buộc được các sàn giao dịch siết rất mạnh tay. Theo đó, các công ty sẽ bị hủy niêm yết nếu không đáp ứng được yêu cầu về công bố thông tin, giá trị vốn hóa, tính đại chúng, hoạt động kinh doanh…
Các công ty sau khi bị hủy niêm yết do không đủ các điều kiện duy trì niêm yết ở các sàn có tổ chức (như NYSE, Nasdaq…) có thể được tái niêm yết trên sàn Pink Sheet. Pink Sheet không phải là một sàn giao dịch được tổ chức mà là một sàn giống như thị trường OTC ở Việt Nam.
Việc hủy niêm yết bắt buộc là cần thiết nhằm tạo nên thương hiệu và duy trì “đẳng cấp” cho từng sàn. Những CP có chất lượng nên được gom thành một sàn và những CP kém chất lượng được gom thành một sàn riêng.
Vì vậy, khi nhìn vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ, NĐT sẽ nhận ra được sự phân cấp về chất lượng của các CP. Một CP được niêm yết ở sàn NYSE sẽ có những tiêu chuẩn cao hơn so với sàn Nasdaq. Và tất nhiên CP ở sàn Nasdaq chất lượng hơn so với Pink Sheet.
Cần nhớ rằng thương hiệu của một sàn giao dịch chứng khoán rất quan trọng để huy động nguồn vốn trong nước và bên ngoài.
Thử nhìn lại hai sàn niêm yết ở Việt Nam (HOSE và HNX), chúng ta không nhận thấy điều này. Nếu xét theo quy định về mức vốn, sàn HOSE có lẽ được hiểu là dành cho các DN có quy mô lớn do có yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu phải là 80 tỷ đồng, trong khi sàn HNX tối thiểu 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào sàn HNX thì có đến trên 40% DN niêm yết hội đủ điều kiện về vốn điều lệ và trên 60% DN có vốn chủ sở hữu vượt quá 80 tỷ đồng. Trong khi đó, nhìn từ sàn HOSE thật khó để nhận ra đẳng cấp của sàn này vì nhiều CP có giá trị vốn hóa quá thấp gây tác động tiêu cực cho nhà đầu tư. Nhiều CP trên HOSE hiện chỉ có thị giá từ 1.000-3.000 đồng (như VKP, CAN, VSG, VES, MHC...).
Ở thị giá này, chỉ cần giá CP trong phiên thay đổi 100-200 đồng là tạo nên độ biến động đến 10%. Thử hỏi, có NĐT nào dám mạo hiểm khi nhìn thấy một CP có thể biến động 10% trong một phiên giao dịch?
Nếu như các nhà quản lý ở HOSE thật sự muốn xây dựng một sân chơi gồm các DN có chất lượng hàng đầu của Việt Nam, cần phải có các quy định hủy niêm yết khi thị giá đã xuống ở mức quá thấp. Các CP này có thể chuyển sang các sàn khác chẳng hạn như Upcom.
Không chỉ riêng vấn đề thị giá, trên sàn HOSE cũng không thiếu những DN làm ăn bết bát, thông tin mập mờ. Với một hình ảnh như vậy, sàn HOSE (có thể được coi là đại diện cho TTCK Việt Nam) làm sao có thể chiếm được niềm tin để thu hút nguồn vốn từ trong nước và quốc tế?
Ngẫm về “đứa con rơi”
Việc các DN tự nguyện hủy niêm yết không phải là chuyện riêng của DN hay NĐT trên TTCK, mà là sự phát triển của thị trường vốn trong nước và cả nền kinh tế. Bởi tự nguyện hủy niêm yết cho thấy các DN đang mất niềm tin vào vai trò huy động vốn của TTCK. Đây là điều đáng lo ngại khi cả NĐT lẫn DN đều rời bỏ thị trường.
Nhưng chuyện đáng lo hơn là TTCK dường như đang bị “phân biệt đối xử”. Trong các “đứa con” của nền kinh tế đang vật lộn với những căn bệnh: Bất động sản đóng băng, vỡ nợ; ngân hàng mất thanh khoản, lãi suất cao; chứng khoán liên tục phá đáy, niềm tin mất dần; DN nhà nước hoạt động trì trệ, yếu kém…
Chính vì vậy, “tái cấu trúc” đang là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây. Chính phủ đang muốn “chữa” cho những đứa con của mình nhằm vực dậy sức khỏe của cả nền kinh tế, nhưng dường như chỉ có bất động sản, ngân hàng mới được quan tâm và tích cực chạy chữa.
Trong tháng 11, nhiều chính sách quan trọng dự kiến được trình lên Chính phủ, nhưng chỉ nghe nói đến tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc thị trường bất động sản, tái cấu trúc DN nhà nước mà tuyệt nhiên không nghe nói đến tái cấu trúc TTCK.
Tại sao việc cứu chữa DN nhà nước, bất động sản, ngân hàng lại được quan tâm, tổ chức chạy chữa nhanh chóng trong khi TTCK chứng khoán lại “im hơi lặng tiếng”? Phải chăng TTCK là “phận con rơi”?
Cần nhớ rằng nguyên nhân sụt giảm của TTCK không chỉ đến từ những yếu tố nội tại của nền kinh tế, mà còn do những yếu kém trong tổ chức quản lý.
Hàng loạt vấn đề khác như minh bạch thông tin, thanh khoản thị trường (giao dịch T+), quản lý tài khoản NĐT, chất lượng hoạt động của các CTCK… đang khiến cho sự phát triển của TTCK bị trì trệ.
Một khi TTCK chậm phát triển, công cuộc cải cách DN nhà nước cũng khó thực hiện và mục tiêu tái cấu trúc ngân hàng, DN nhà nước và thị trường bất động sản đâu cũng lại vào đấy.