Cũng như bóng đá Việt Nam, lịch sử của QBV Việt Nam trải qua không ít thăng trầm, nhưng niềm tin và trách nhiệm với bóng đá Việt Nam là động lực để những người tổ chức - Báo SGGP, xây dựng giải thưởng trở thành thương hiệu lớn của bóng đá Việt.
Từ niềm tin…
Đã 30 năm trôi qua kể từ cái đêm đáng nhớ đó, khi tiền đạo Trần Minh Chiến tung cú sút vô lê tuyệt đẹp vào lưới Myanmar, đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vào chơi một trận chung kết SEA Games kể từ ngày thống nhất đất nước. Một bản fax của phóng viên từ Chiang Mai (Thái Lan) về trụ sở báo SGGP với vài cái gạch ngang vắn tắt ý tưởng về một giải thưởng cá nhân tôn vinh cầu thủ Việt Nam.
Vậy là giải thưởng QBV Việt Nam được ra đời từ ý tưởng của những người làm báo, và ban đầu chỉ là một “hạt mầm” gieo xuống “mảnh đất” hãy còn khô cằn. Giai đoạn trước và sau khi QBV Việt Nam ra đời, quá trình hội nhập quốc tế của làng túc cầu Việt còn yếu và chậm.
Đến năm 1991, đội tuyển bóng đá mới dự SEA Games; năm 1993 mới lần đầu dự vòng loại World Cup. Đội tuyển Việt Nam cũng chỉ mới lần đầu tiên vào chung kết SEA Games sau 20 năm kể từ ngày thống nhất đất nước. Ngay trong trận chung kết đó, chúng ta thua Thái Lan đến 0-4, một khoảng cách vời vợi về trình độ chơi bóng, nói gì đến khái niệm xa xỉ: đẳng cấp.
Nhưng trong muôn vàn khó khăn đó, hành trình xây dựng thương hiệu lớn của bóng đá Việt được tiến hành với niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển của bóng đá nước nhà. Cái khó nhất không phải là việc tổ chức mà là “tiền đâu để làm”.
Vì ngay từ đầu, giải thưởng xác định sẽ có phần thưởng tiền mặt đi kèm. Bóng đá Việt Nam lúc đó nghèo lắm. Cầu thủ chỉ nhận lương để đá bóng còn mãi đến những năm 2000 mới có các nhãn hàng tài trợ xuất hiện trên áo thi đấu và biển quảng cáo sân bóng.
Kiếm tiền để làm các sự kiện thể thao chẳng bao giờ là chuyện dễ, nhưng với các cơ quan truyền thông, mọi thứ còn phức tạp hơn rất nhiều, vì đây là chuyện “vác tù và hàng tổng”, các khái niệm như “phát triển thương hiệu tờ báo” hay “kinh tế báo chí” ở những năm 1990 của thế kỷ trước rất xa lạ.
Nhưng có một điều may mắn là giải thưởng luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các thế hệ lãnh đạo Báo SGGP, tất cả đều xem đây là một “nhiệm vụ chính trị” của tờ báo Đảng, nói cách khác giải thưởng QBV Việt Nam đã vượt qua khuôn khổ một sự kiện, là trách nhiệm của Báo SGGP đối với bóng đá Việt Nam.
Đến vị thế
Năm 2015, giải thưởng dành cho futsal ra đời khi đội tuyển làm nên lịch sử với tấm vé dự World Cup. 20 năm sau ngày hạng mục QBV nữ xuất hiện (2002), các cô gái của chúng ta đã lần đầu tiên được dự World Cup. Những giấc mơ tưởng chừng như không thể, nay đều nằm trong tầm tay.
Từ ngày mà danh thủ Trần Minh Chiến tung cú vô lê ghi bàn thắng vàng, đưa đội tuyển bóng đá nam lần đầu tiên vào chơi chung kết SEA Games cho đến nay, bóng đá Việt Nam, đã tiến nhanh với bước chân Thánh Gióng, tiếp cận đẳng cấp của tốp đầu châu lục và đến gần giấc mơ World Cup.
Hành trình vinh quang ấy ghi danh các tài năng Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Dương Hồng Sơn, Lưu Ngọc Mai, Văn Thị Thanh, Huỳnh Như, Nguyễn Văn Quyết, Phạm Thành Lương… trên bục trao của Giải thưởng QBV Việt Nam. Họ chính là một phần đáng nhớ của lịch sử của QBV.
Đến nay đã 28 kỳ trao giải, với những người làm Báo SGGP, câu chuyện về những giá trị tiên phong không còn là điều quá quan trọng, thay vào đó là niềm tự hào được ghi nhận như những người đã đóng góp và đồng hành cùng với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Gala đầu tiên được tổ chức ngay tại hồ bơi Phú Thọ mới được xây dựng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Đến năm 1999, lần đầu tiên Gala trao giải được tổ chức trong không gian Nhà hát Bến Thành. Từ đó đến nay, Gala trao giải là một trong những sự kiện được chờ đón bậc nhất của bóng đá Việt Nam.
Một trong những huyền thoại của bóng đá Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, từng nói: “Bóng đá có thành công, có thất bại thăng hoa và sa sút. Nhưng tất cả đều sẽ nhìn về phía trước, tiến tới tương lai.
Nhưng trong những năm tháng ấy, có một điều không thể thay đổi được, đó là Giải thưởng QBV Việt Nam luôn đồng hành cùng các cầu thủ. Gần 30 năm thăng trầm, cũng là gần 30 năm Giải thưởng QBV đồng hành để vinh danh những cầu thủ xuất sắc nhất - một sự đồng hành bền bỉ và trân trọng. Đây còn là sự nỗ lực của rất nhiều cá nhân nặng lòng với bóng đá Việt Nam”.
30 năm là một chặng đường rất dài đối với một giải thưởng và nhiều thế hệ làm Báo SGGP. Nhưng thật đáng tự hào khi Giải thưởng QBV Việt Nam giờ đây đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc hành trình vươn tầm thế giới của bóng đá Việt.