Tài xế có 12 điểm/năm
Một điểm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) là quy định điểm, trừ điểm GPLX. Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đồng tình với quy định trên và cho rằng, việc này vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Khi giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đây là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp GPLX. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật, phòng ngừa vi phạm. Quy định trừ điểm này không có tính chế tài nên đây không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Luật TTATGTĐB quy định điểm của GPLX là 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm giao thông. “Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX”, khoản 1, Điều 58 của Luật TTATGTĐB nêu rõ.
Về cơ chế phục hồi điểm GPLX, luật cũng quy định, GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại GPLX đó.
Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB. Lực lượng CSGT tổ chức kiểm tra kiến thức, có kết quả đạt yêu cầu thì tài xế được phục hồi đủ 12 điểm trên GPLX của mình.
Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) với nhiều điểm mới. Trong đó, luật dành riêng 1 chương quy định về cơ chế, chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam đạt được mục tiêu có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030. Trong Luật Đường bộ có một điều quy định về trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên cao tốc.
Cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn
Bên cạnh đó, Luật TTATGTĐB còn quy định chi tiết 28 hành vi bị nghiêm cấm đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Một trong những hành vi bị cấm được bạn đọc quan tâm là cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.
Khi báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, quy định này được kế thừa từ quy định Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Theo Luật TTATGTĐB, Bộ Y tế được giao quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Để nâng cao ý thức chấp hành luật, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. “Việc này phải làm từ sớm và thường xuyên, nhất là ở các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên...”, đại biểu này nêu ý kiến; đồng thời đề nghị đưa nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào chương trình chính khóa thay vì lồng ghép.
Gắn camera trên xe chở học sinh
Thời gian qua có những vụ việc bỏ quên trẻ em trên ô tô đưa đón đi học, vì vậy lần này, Luật TTATGTĐB đã bổ sung quy định ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.