Hôm trước bạn tôi nói đùa rằng, ở cơ quan hễ ai mặt mày càng nhăn nhó sự thăng tiến càng nhanh, nên từ mai phải cố tỏ ra cau có một chút để có cơ hội đi lên. Tôi “phản biện” lại, phải chăng vì thăng tiến nhanh nên áp lực công việc càng nhiều, vì vậy mặt mũi lúc nào cũng căng thẳng? Nói như vậy, câu chuyện lại rơi vào tình huống “con gà và quả trứng”. Còn nói theo kiểu học thuật, liệu có mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa sự thăng tiến trong công việc và biểu hiện nét mặt của mỗi người hay không?
Quá trình một người từ lúc đi học, trưởng thành, lập nghiệp, dựng vợ, gả chồng rồi sinh con, có cháu đến lúc nghỉ hưu đều được lưu dấu và phân tích kỹ càng bởi các robot AI của các ông lớn công nghệ. |
Hoặc một lĩnh vực khác, hiện nay các công ty công nghệ hàng ngày dùng các phần mềm quét liên tục Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác của các CEO, chuyên gia, nhà phân tích nổi tiếng hoặc có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế hoặc một lĩnh vực nào đó, để trích xuất các phát biểu, dòng trạng thái hay thậm chí hình ảnh những người này cập nhật hàng ngày. Sau đó phần mềm trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ phân tích các câu nói hoặc hình ảnh để xem họ đang tỏ thái độ lạc quan, bi quan hay hàm ý điều gì đó về thị trường hay xu hướng giá cả (chứng khoán, ngoại tệ, vàng hay một kênh đầu tư nào đó). Và đương nhiên đây là món hàng đắt giá cho các nhà đầu tư.
Trước đây, khi thực hiện các nghiên cứu khoa học lẫn ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, người ta sử dụng rất phổ biến các dữ liệu truyền thống, từ thứ cấp như doanh thu, chi phí, tốc độ tăng trưởng, lãi suất, lạm phát... đến sơ cấp về hành vi như thói quen, sở thích của người tiêu dùng thông qua điều tra khảo sát bằng bảng câu hỏi. Nhưng gần đây với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0 với các ứng dụng về dữ liệu lớn (Big data), AI, và internet vạn vật (IoT), các dữ liệu phi truyền thống ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và đang tỏ ra có ưu thế vượt trội.
Thậm chí có quan điểm còn cho rằng dữ liệu truyền thống đã chạm đến ngưỡng phát triển, nên tương lai gần sẽ nằm ở các dữ liệu phi truyền thống. Điều này cũng hứa hẹn sẽ mở ra nhiều xu hướng mới trong nghiên cứu khoa học lẫn ứng dụng để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống chúng ta nói chung và lĩnh vực kinh tế nói riêng. Thế nhưng, những mặt trái của nó là điều khó tránh khỏi, và liệu cuộc sống con người sẽ trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn hay bị trói buộc vào “vòng kim cô” công nghệ, thậm chí làm tù nhân cho công nghệ.
Cách đây 1 năm, cộng đồng mạng rất hào hứng với trào lưu đăng tải các bức hình #10YearChallenge của Facebook. Theo đó, mọi người đã nhiệt tình khoe các tấm ảnh chân dung được chụp sau mỗi 10 năm của mình lên trang cá nhân, để chứng minh đã “dậy thì thành công”, theo cách gọi vui của cộng đồng mạng.
Rõ ràng người dùng mạng xã hội vì đã quá hào hứng với “tâm lý bầy đàn”, đã dạy miễn phí cho các robot AI của Facebook về sinh trắc học, thậm chí là nhân tướng học thông qua việc cung cấp cho họ bộ big data về ảnh nhận dạng và tiến trình tuổi tác của mỗi người, nó là mỏ vàng dữ liệu hiện nay. Apple, Google và Amazon phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt để làm công cụ bảo mật cho các thiết bị điện tử cá nhân, cũng không nằm ngoài mục đích này.
Nhân tướng học thời xưa ca ngợi đàn ông mặt chữ điền, bởi lẽ tiền nhân có cơ sở. Chẳng hạn, dựa vào thống kê kinh nghiệm để tin rằng những người có gương mặt vuông vắn, góc cạnh thường có sức khỏe và thể chất tốt. Trước đây, khi năng suất sản xuất, thậm chí năng lực quốc phòng phụ thuộc vào sức người, sức vóc sẽ được đề cao. Nhưng hạn chế của thống kê truyền thống nằm ở phương pháp chọn mẫu, dựa vào những gì quan sát được người ta đúc kết thành quy luật cho cả tổng thể, nên vấn đề lệch lạc và không chính xác sẽ nảy sinh, làm độ tin cậy và ý nghĩa của các kết luận và hàm ý ứng dụng rất yếu.
Nhưng với sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, ngày nay chúng ta ai cũng có ít nhất 1 tài khoản Facebook, Gmail, iCloud, sử dụng iPhone, các thiết bị Andoid hoặc mua sắm trên các trang thương mại điện tử, sử dụng số điện thoại để đăng nhập vào nhiều dịch vụ công nghệ, nên bộ dữ liệu các ông lớn công nghệ thu thập được là dữ liệu tổng thể, không còn là mẫu nữa và họ tha hồ khai thác với sự trợ giúp tuyệt vời của các robot AI và trợ lý ảo.
Như vậy, hành vi sử dụng mạng xã hội của chúng ta đã làm các bảng khảo sát điều tra về hành vi tiêu dùng trở nên thừa thãi. Bởi lẽ, việc chúng ta hàng ngày đăng tải các dòng trạng thái, hình ảnh hoặc check-in vào địa điểm nào đó, đã giúp các phần mềm AI tổng hợp dữ liệu lớn cho các câu hỏi về độ tuổi, thu nhập, thói quen du lịch, ăn uống, sở thích mua sắm, chơi thể thao… là thứ rất giá trị đối với các ngành marketing và kinh doanh thương mại.
Bằng chứng của điều này là trên tường Facebook của bạn sẽ xuất hiện dày đặc trang bán hàng nội thất khi bạn vừa vào Google tìm kiếm thông tin về chiếc ghế sofa. Hay như bạn vừa check-in Facebook ở địa điểm du lịch nào đó, lập tức trên “tường” nhà bạn sẽ đầy trang bán hàng đặc sản hoặc địa chỉ các nhà hàng ở xung quanh. Rõ ràng, các robot AI của các trang mạng xã hội không bỏ qua bất cứ hành vi nào của chúng ta và tất cả dữ liệu này đều được lưu trữ lại. Theo thời gian nó sẽ có tính chuỗi thời gian và thể hiện xu hướng về điều gì đó rất rõ ràng.
Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó trong tương lai, khi một cô gái dẫn người yêu về nhà giới thiệu cho gia đình. Người mẹ âm thầm nhập ID của chàng rể tương lai và cô con gái vào một phần mềm nào đó để phân tích xem tuổi tác, công việc, nhân tướng, sở thích, thói quen, hoàn cảnh gia đình… của 2 người có phù hợp để trở thành vợ chồng hay không, điều mà trước đây vốn là công việc của các thầy tướng số và bói toán.
Rốt cuộc 2 người có thể trở thành vợ chồng hay không do công nghệ quyết định, không phải do duyên số, là cách nói về yếu tố ngẫu nhiên của người xưa.
Vậy cuộc sống của chúng ta, sẽ làm chủ công nghệ hay bị công nghệ làm chủ?
Vậy cuộc sống của chúng ta, sẽ làm chủ công nghệ hay bị công nghệ làm chủ?