Từ sách lên phim - Sức hút chưa giảm nhiệt

(ĐTTCO) - Chuyển thể từ sách lên phim đã không còn là xu hướng nhất thời. Thành công cả về mặt nghệ thuật và doanh thu của không ít bộ phim chuyển thể trước đây, hay hàng loạt dự án đang trong quá trình sản xuất là minh chứng. 

Nối dài dòng phim chuyển thể

Số đỏ, một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng sẽ được chuyển thể thành phiên bản điện ảnh. Người hâm mộ đang chờ đợi tác phẩm sẽ tái hiện như thế nào hành trình của Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ hạ lưu vươn lên tầng lớp danh giá bậc nhất trong xã hội. 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Tuy tác phẩm đã nhiều lần được dựng thành kịch và phim truyền hình, nhưng với dự án chúng tôi thực hiện, khán giả sẽ lần đầu được nhìn thấy những nhân vật nổi tiếng như: Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, ông Tuýp-phờ-nờ… bước lên màn ảnh rộng. Điện ảnh Việt Nam trong một thời gian dài thiếu vắng hẳn những phim trào phúng, một dòng phim mà tôi rất yêu thích. Chính vì thế, tôi rất háo hức khi được chuyển thể tiểu thuyết Số đỏ lên màn ảnh, đồng thời mong muốn thử thách bản thân khi tái hiện lại xã hội Việt Nam những năm 30 với sắc thái độc đáo, riêng biệt”. 

Trạng Tí, bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt

Trạng Tí, bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt


Phan Gia Nhật Linh dường như khá có duyên với dòng phim chuyển thể từ sách. Anh từng thành công với Cô gái đến từ hôm qua, chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mới đây nhất, anh đảm nhận vai trò đạo diễn dự án Trạng Tí, chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.   

Danh sách các bộ phim chuyển thể đang thực hiện, có thể nhắc đến Cậu Vàng, dựa trên tác phẩm Lão Hạc (nhà văn Nam Cao) do đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện. Phim đã được bấm máy từ cuối tháng 9-2019 và dự kiến ra mắt trong năm 2020. Một dự án khác được quảng bá rầm rộ là 578: Phát đạn của kẻ điên do đạo diễn Lương Đình Dũng thực hiện, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên do chính anh viết. Trước đó, phim dài đầu tay Cha cõng con cũng được anh chuyển thể từ truyện ngắn của mình. 

Chia sẻ về lý do chuyển thể từ sách thành phim, Lương Đình Dũng cho biết, một tác phẩm văn học đã là tác phẩm độc lập có cấu trúc, màu sắc, thế giới nhân vật, chỉ khác là được mô tả bằng ngôn ngữ viết. “Nếu một tác phẩm điện ảnh có thể được thai nghén vài năm mới xong thì có những tác phẩm văn học, tác giả cũng phải viết hàng chục năm. Vậy nếu có cơ hội được lựa chọn, tôi nghĩ bắt đầu từ sách là một cơ hội tuyệt vời”, anh chia sẻ thêm. 

Ở thể loại phim chuyển thể từ sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang là cái tên được đông đảo nhà làm phim yêu thích. Sau thành công vang dội của Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, 2 cuốn sách khác của nhà văn là Thiên thần nhỏ của tôi và Ngồi khóc trên cây đã được các đơn vị mua bản quyền làm phim.   

Thách thức

Đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định, làm phim chuyển thể từ sách có lợi thế là sở hữu một câu chuyện, tác phẩm trọn vẹn, có thể tiết kiệm được 1 - 2 năm suy nghĩ cho ý tưởng kịch bản. Tuy nhiên theo anh: “Quá trình chuyển thể này cũng không hề dễ dàng. Có những phần chuyển thẳng sang điện ảnh thì ngôn ngữ điện ảnh không chuyển tải được, hoặc chuyển tải không đạt hết hiệu quả của ngôn ngữ ở khía cạnh văn học. Đặc biệt ở những tác phẩm không có quá nhiều gợi ý về mặt hình ảnh”. 
 
Làm thế nào để vừa giữ tinh thần tác phẩm gốc, vừa sáng tạo thêm những chi tiết mới? Trả lời câu hỏi này, đạo diễn Victor Vũ khi thực hiện Mắt biếc, thừa nhận: “Đây là một trong những dự án khó nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi băn khoăn, làm sao để khán giả thấy những điều tươi mới, bất ngờ so với tác phẩm văn học. Áp lực phải tạo nên cái mới đó rất lớn”.

Còn đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết: “Tôi mong bộ phim không chỉ chuyển tải được màu sắc và không khí của tác phẩm Lão Hạc, nêu bật được kịch bản tâm huyết của cha mình, mà còn có thêm những yếu tố hiện đại, tiếp cận được xu hướng của giới trẻ. Tôi không đòi hỏi quá cao siêu. Tôi chỉ mong được góp sức lan truyền những điều tốt đẹp, những giá trị văn học đến nhiều đối tượng khán giả hơn”. 

Thực tế là đa phần tác phẩm chuyển thể được các đơn vị sản xuất thai nghén trong thời gian dài, đầu tư kinh phí lớn, một phần cũng bởi áp lực từ tác phẩm gốc đã thành công. Có thể kể đến: Mắt biếc có kinh phí sản xuất hơn 20 tỷ đồng, Cha cõng con là 18 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua là 22 tỷ đồng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gần 20 tỷ đồng, Hương Ga khoảng 18 tỷ đồng…  

Trong số các tác phẩm đã và đang thực hiện, dự án 578: Phát đạn của kẻ điên được đạo diễn Lương Đình Dũng hé lộ, có kinh phí đầu tư lên đến 60 tỷ đồng. Còn theo nhà sản xuất Ngô Thanh Vân: “Trạng Tí mất hơn 2 năm để thực hiện và là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Studio68. Nhưng đây là điều xứng đáng để mang những câu chuyện đậm màu sắc dân gian thuần Việt đến gần hơn với khán giả trong nước”. Bà Thanh Hằng, đại diện ê kíp Cậu Vàng, tiết lộ: “Bộ phim tái dựng thời kỳ nửa thuộc địa nên toàn bộ trang phục, bối cảnh đều phải qua khâu dàn dựng, chắc chắn sẽ đòi hỏi kinh phí đầu tư không nhỏ”...

Nhiều phim chuyển thể từ sách thành công vang dội cả về mặt nghệ thuật và doanh thu. Những phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con… từng vinh dự đại diện Việt Nam tham gia đề cử hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar. Bên cạnh Mắt biếc có doanh thu lên đến hơn 172 tỷ đồng, một số tác phẩm khác cũng rất thành công, như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gần 78 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua 70 tỷ đồng… “Những tác phẩm văn học nổi tiếng đương nhiên là yếu tố bảo chứng niềm tin với khán giả, có sẵn lượng khán giả yêu mến sẵn sàng muốn chứng kiến nhân vật, câu chuyện từ văn học sang hình ảnh cụ thể sẽ như thế nào. Tuy nhiên, để đảm bảo doanh thu thì không ai dám chắc”, đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định.

Các tin khác