Theo đó, tuần báo chuyên về lĩnh vực chính trị, kinh tế tại Anh nhận định "Italy đã thay đổi" dưới sự điều hành của ông M. Draghi, "vị thủ tướng đầy năng lực và uy tín quốc tế", khẳng định không thể phủ nhận thực tế "tình hình nước này đã tốt hơn một năm trước".
The Economist cho rằng Italy có “một lực lượng chính trị đa số đã vượt qua những khác biệt để cùng nhau thúc đẩy một chương trình cải cách sâu rộng" liên quan Quỹ Phục hồi và đưa nền kinh tế khởi sắc nhanh hơn cả Pháp và Đức. Tuy nhiên, tạp chí này cũng nêu cảnh báo nguy cơ “chiều hướng phát triển bất thường và đầy tích cực này có thể bị đảo ngược” nếu ông Draghi được bầu làm Tổng thống, tức là “một vai trò mang tính nghi thức”, do đó phải nhường chỗ cho một thủ tướng “kém năng lực hơn”.
The Economist nhấn mạnh cuộc bình chọn không dựa trên tiêu chí quốc gia lớn nhất, giàu nhất hoặc hạnh phúc nhất mà là "quốc gia được cải thiện nhiều nhất". Thành tích đáng khen ngợi dành cho cho Italy không liên quan đến các chiến thắng tại Vòng chung kết bóng đá châu Âu EURO 2020 hay Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu Eurovision 2021 mà là "các chính sách" của nước này, bao gồm kết quả chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với tỷ lệ "cao nhất ở châu Âu”.
Bên cạnh đó, tạp chí này cũng nhắc lại việc đã nhiều lần hướng sự chỉ trích đến Italy bởi việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của nước này, như trường hợp cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi; hay từng đánh giá "bởi sự yếu kém của chính phủ, người Italy nghèo hơn trong năm 2019”. Tạp chí của Anh kết luận: “Tuy nhiên, trong năm nay, Italy đã thay đổi”, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Thủ tướng M. Draghi.