Tuần qua, vàng thế giới giao dịch ảm đạm

Thị trường vàng diễn biến khá “ảm đạm” trong tuần qua, khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang nhen nhúm bùng phát trở lại, khiến trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ và Đức, vốn được coi là các tài sản có tính an toàn cao, tăng giá.

Thị trường vàng diễn biến khá “ảm đạm” trong tuần qua, khi những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang nhen nhúm bùng phát trở lại, khiến trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ và Đức, vốn được coi là các tài sản có tính an toàn cao, tăng giá.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng lựa chọn giải pháp “án binh bất động" trước khi đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới để xem thái độ của cơ quan này đối với gói nới lỏng định lượng (QE) tiếp theo.

Việc lãi suất trái phiếu ngắn hạn của Tây Ban Nha tiếp tục leo thang, cùng với những vấn đề nan giải khác tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là những nhân tố chi phối thị trường vàng trong phiên giao dịch đầu tuần (16-4).

Điều này đã khiến USD tăng giá so với EUR, qua đó thúc đẩy hoạt động bán ra trên khắp các thị trường hàng hóa, trong đó có thị trường kim loại quý. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 6-2012 tại sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) giảm 10,5 USD (0,6%) xuống 1.649,7 USD/ounce.

Sau khi phục hồi tăng nhẹ vào phiên sau đó, mà động lực chủ yếu là những nhân tố bên ngoài thị trường, do Tây Ban Nha đã thu về kết quả tích cực từ đợt đấu giá trái phiếu chính phủ ngắn hạn, giá vàng lại tiếp tục đà “lao dốc” vào ngày 18-4, trong bối cảnh nhu cầu vàng giao ngay của những nước tiêu thụ vàng chủ chốt ở châu Á khá uể oải, cũng như việc dầu thô mất giá cũng tác động tiêu cực tới thị trường vàng. Theo thống kê sơ bộ của hãng tin Reuters (Anh), khối lượng giao dịch trong phiên này rất mỏng và là một trong những phiên giao dịch trầm lắng nhất từ đầu năm tới nay.

Tuy nhiên, sau khi Tây Ban Nha kết thúc thành công đợt chào bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm và 10 năm vào ngày 19-4, giá vàng giao tháng 6/2012 tại thị trường Hoa Kỳ tăng 1,8 USD lên 1.641,4 USD/ounce.

Sau cuộc đấu giá trái phiếu dài hạn nói trên, Tây Ban Nha đã huy động được số tiền nhiều hơn dự kiến là 2,541 tỷ EUR (3,3 tỷ USD). Mặc dù lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ nước này tăng nhẹ lên mức 5,743%, cao hơn mức tương ứng 5,403% được ghi nhận trong phiên đấu giá ngày 19-1, song mức lãi suất này vẫn thấp hơn dự kiến của giới đầu tư và vẫn nằm dưới ngưỡng tâm lý 6%.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của nước này lại giảm từ 3,495% xuống còn 3,463%. Đây sẽ là một thông tin tích cực, bởi nó cho thấy lòng tin của giới đầu tư về khả năng tài chính của Madrid đang ngày càng gia tăng.

Giới phân tích nhận định rằng Tây Ban Nha và Italy hiện vẫn chưa cần đến các gói cứu trợ quốc tế, mặc dù “thể trạng” yếu ớt của hai nền kinh tế này có thể khiến Eurozone chìm trong “bãi lầy” suy thoái tới giữa năm 2012. Hiện các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về "sức khỏe" tài chính của Eurozone, sau khi tin đồn về nguy cơ Pháp bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm đã đẩy lãi suất trái phiếu của nước này tăng cao.

Giá vàng gần như đi ngang giữa bối cảnh giao dịch thưa thớt trong phiên cuối tuần (20-4) và kết thúc với mức giảm 1%, đánh dấu tuần giảm thứ hai của mặt hàng này trong ba tuần trở lại đây.

Bất chấp sự suy yếu của đồng USD, cùng với sự đi lên của thị trường nhiên liệu và cổ phiếu, nhờ báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, giá vàng vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ kim loại quý này tại thị trường châu Á ngày càng yếu, trong khi giới đầu tư cũng tỏ ra không mấy mặn mà khi chưa nhận thấy dấu hiệu tăng giá nào.

Chốt phiên 20-4, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm nhẹ 22 xu xuống còn 1.642,26 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 6-2012 lại tăng 1,4 USD lên 1.642,8 USD/ounce.

Các chuyên gia thuộc ngân hàng Commezbank (Đức) cho rằng: "Vàng đang biến động như một tài sản rủi ro chứ không giống với một nơi trú ẩn an toàn như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, giá vàng có thể trở về đỉnh cao vào cuối năm 2012, khi lãi suất trái phiếu xuống thấp và nhu cầu đối với mặt hàng này tại Trung Quốc tăng cao."

Kể từ cuối tháng 2-2012 tới nay, giá vàng đã giảm tới 150 USD/ounce, trong bối cảnh hy vọng về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tung ra gói kích thích kinh tế mới đang dần trở nên "nguội lạnh."

Đóng cửa phiên cuối tuần tại thị trường London, giá vàng tụt xuống còn 1.641,50 USD/ounce, so với mức tương ứng 1.666,50 USD/ounce của tuần trước đó. Cùng ngày, giá bạc và giá bạch kim cũng lần lượt giảm xuống còn 31,79 USD/oune và 1.579 USD/ounce.

Các tin khác