Lực lượng vũ trang TPHCM bàn giao tro cốt người mất do Covid-19 cho gia đình nạn nhân. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Tin tưởng Quốc hội sẽ có nghi thức để tưởng niệm đồng bào bị nạn do Covid-19
Có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là việc rất nên làm, một là để tưởng nhớ những người đã mất vì Covid-19, hai là để tôn vinh những chiến công thầm lặng của những người vào sinh ra tử, hy sinh cho cuộc chiến chống Covid-19. Chúng ta đã chống dịch như chống giặc, nên rất cần có hình thức tưởng nhớ đến những người đã hy sinh. Dịch Covid-19 cũng không phải ngày một ngày hai sẽ hết, mà chúng ta sẽ phải sống chung, thích ứng như Đảng, Nhà nước đã khẳng định. Vì thế, càng cần phải nêu gương, tôn vinh những người đã hy sinh cho cuộc chiến có tính lịch sử này. Tôi đồng tình và hoan nghênh đề xuất của Báo SGGP.
Tổ chức lễ tưởng niệm cũng là dịp để chúng ta nhớ đến đồng bào đã vì đại dịch mà mất đi cuộc sống của họ. Chúng ta đều thấy ở các nước, một trận sóng thần, một trận động đất gây nên thảm họa thì họ đều tổ chức tưởng niệm người đã mất, nên không có lý gì chúng ta lại không tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào đã tử vong vì Covid-19. Tôi đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ LĐTB-XH chủ trì, đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. Còn về phía Quốc hội, tôi mong và tin tưởng rằng trong phiên khai mạc Quốc hội tới đây, Quốc hội sẽ có nghi thức để tưởng niệm đồng bào đã mất do Covid-19 cũng như tôn vinh lực lượng đã hy sinh.
Giáo sư NGUYỄN LÂN DŨNG, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực:
Tưởng niệm, tri ân là cách để xã hội thấy rõ hơn trách nhiệm của mình
Hơn 2 vạn đồng bào đã tử vong vì Covid-19. Đó là mất mát lớn, nỗi đau chung của cả dân tộc, do đó rất cần một lễ tưởng niệm trọng thể cho đồng bào đã mất. Qua tưởng niệm cũng sẽ đánh thức hơn nữa trách nhiệm của xã hội đối với sự mất mát này. Không chỉ hơn 2 vạn đồng bào đã mất, mà hiện có hàng ngàn trẻ em mồ côi, hàng triệu người rơi vào khó khăn do Covid-19, nên chúng ta tưởng niệm đồng bào tử vong, tri ân lực lượng hy sinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là cách để xã hội thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, từ đó có những giải pháp cụ thể để giúp đỡ những người khó khăn. Tưởng niệm là hình thức để chúng ta thức tỉnh tình thương yêu vốn có của người Việt Nam với những ai không may mắn chịu sự mất mát.
Tôi cho rằng, trước hết Quốc hội phải đứng ra tưởng niệm đồng bào đã tử vong vì Covid-19, sau đó là MTTQ, các đoàn thể tổ chức các lễ tưởng niệm gắn với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người khó khăn. Tưởng niệm phải đi kèm các giải pháp hỗ trợ người còn sống thì mới có ý nghĩa thực sự, chứ không nên chỉ dừng ở việc tưởng niệm người đã mất.
Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Nên có hoạt động tưởng niệm
Tôi ủng hộ việc Quốc hội dành thời gian mặc niệm các nạn nhân của dịch bệnh, để bày tỏ cảm thông, chia sẻ đau thương mất mát của đồng bào khi xảy ra những biến cố gây thiệt hại nhiều sinh mạng. Sau này, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, cũng rất nên dành một ngày để tổ chức hoạt động tưởng niệm những người đã qua đời, bởi vì bên cạnh những nạn nhân không may mắc bệnh và không qua khỏi, còn có cả những y, bác sĩ, tình nguyện viên, những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an… đã làm việc quên mình để cứu chữa, bảo vệ, hỗ trợ người dân và qua đời. Nhưng có lẽ nên cân nhắc thêm một chút trước khi xác định một ngày cố định hàng năm làm ngày tưởng niệm.
Thầy TRẦN TRUNG HIẾU, giáo viên môn Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An:
Để tưởng nhớ người thân và động viên người đang sống
Tình hình phòng chống dịch Covid-19 đang có tiến triển tích cực. Sắp tới, khi tình hình dịch bệnh trên toàn quốc được kiểm soát hoàn toàn, Quốc hội nên xem xét quyết định chọn một ngày làm Quốc tang để tưởng niệm đồng bào đã tử vong và y, bác sĩ, lực lượng vũ trang đã hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Đối với những người thân ở lại, đó là mất mát không gì bù đắp nổi. Do đó, tổ chức ngày tưởng niệm cho những người đã mất vì Covid-19 sẽ có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, để đồng bào tưởng nhớ về người thân của mình và động viên tinh thần những người còn sống, giúp họ sớm vượt qua những tổn thương để quay lại cuộc sống “bình thường mới”. Thứ hai, tri ân sự cống hiến và hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thứ ba, đó là một sự nhắc nhở để chúng ta sống tích cực hơn, có trách nhiệm với cộng đồng hơn và luôn phải sẵn sàng ứng phó với những đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. Tôi tin sẽ có nhiều người dân ủng hộ đề xuất này.