Tỷ giá năm 2016 sẽ biến động khoảng 3-4%

(ĐTTCO) -Theo VEPR, tỷ giá sẽ không có những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.

(ĐTTCO) -Theo VEPR, tỷ giá sẽ không có những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.

 

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố có dự báo: Tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.

Theo phân tích của VEPR, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định trong nửa đầu quý IV/2015, tỷ giá tại các NHTM và thị trường tự do đều hạ nhiệt so với thời điểm Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ tăng cao vào cuối năm khiến sức ép tăng tỷ giá quay trở lại. Giá USD niêm yết tại các NHTM liên tục ở mức sát trần trong tháng 12/2015.

Ngày 31/12, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá tham chiểu của đồng Việt Nam với Đô la Mỹ hàng ngày, thay cho tỷ giá liên ngân hàng cố định trước đây. Tỷ giá tham chiếu mới được xác định dựa trên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường và giá trị của đồng nội tệ so với 8 đồng tiền tham chiếu.

VEPR đánh giá rằng, cơ quan điều hành đã chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý và thực hiện một bước tiến đáng kể trong việc thay đổi chính sách điều hành theo hướng thị trường hơn. Theo đó, những tín hiệu thị trường sẽ được phản ánh vào tỷ giá tham chiếu. NHNN đã tương đối thành công khi dỡ bỏ cơ chế tỷ giá cố định mà không gây ra những biến động lớn. Kỳ vọng thị trường và trạng thái ngoại tệ của các NHTM đã được kiểm soát tốt bằng việc bán phái sinh ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng, ngay trước thời điểm công bố cơ chế mới.

VEPR cho rằng về cơ bản, cơ chế điều hành tỷ giá mới phù hợp với những đặc tính của thị trường Việt Nam khi chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để vận hành một cơ chế trong đó thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định tỷ giá.

Theo VEPR dự báo, thị trường ngoại hối trong năm 2016 tiềm ẩn những yếu tố rủi ro ngoại sinh, đáng kể nhất là nguy cơ khủng hoảng phát sinh từ các thị trường mới nổi, tuy nhiên các yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá đều tương đối tích cực. Trung Quốc đang ghi nhận những tín hiệu tương đối tích cực từ khu vực tiêu dùng và dịch vụ, sẽ có nhiều động lực kiểm soát biên độ mất giá của đồng Nhân dân tệ ở mức vừa phải, dưới 5%.

FED cũng đang trong quá trình tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên tỷ giá trong nước. Chỉ số USD tháng 12/2015 đạt mức 99,39, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây và vẫn đang trong xu hương tăng. Tuy nhiên, với việc FED chưa thực hiện giảm quy mô tài sản nắm giữ, thanh khoản tại các thị trường đang phát triển chưa bị ảnh hưởng thật sự mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư vào nội địa đang có dấu hiệu khả quan sau khi đàm phán TPP được hoàn thành và làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ. VEPR kỳ vọng tỷ giá sẽ không chứng kiến những cú sốc lớn như trong năm 2015, và biến động khoảng 3-4% trong năm 2016.

Các tin khác