(ĐTTCO) - Sự hỗn loạn trong thời gian vừa qua trên thị trường tài chính Trung Quốc không chỉ vì nhà đầu tư nghi ngờ về triển vọng hạ cánh cứng của Trung Quốc, mà còn mất niềm tin vào khả năng của những nhà tạo lập chính sách trong việc hạn chế sự biến động (volatility) của thị trường tài chính. Nói như Qian Wang, nhà kinh tế học cao cấp phụ trách châu Á của Vanguard Investment Hồng Công: “Rủi ro lớn nhất của Trung Quốc thực sự không phải nền kinh tế, mà là sự không chắc chắn về chính sách và tiền tệ. Trung Quốc đang đi trên một vỏ trứng”.
Chính sách “dị thường” TTCK Trung Quốc
Trung Quốc đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, từ một công xưởng sản xuất của thế giới sang một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng. Việc chuyển đổi đang diễn ra khó khăn với kịch bản hạ cánh cứng có thể xảy ra. Nhưng điều khiến cho giới phân tích và nhà đầu tư lo lắng khi đưa ra một định hướng chính sách chưa rõ ràng nhằm hạn chế những sự bất ổn đang gia tăng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc và thế giới. Đầu tiên là cơ chế tự ngắt và đóng cửa TTCK mỗi khi TTCK sụt giảm đến mức 7% (sẽ tạm ngưng giao dịch 15 phút khi sụt giảm 5%) vào đầu năm 2016. Điều các nhà tạo lập chính sách Trung Quốc không ngờ đến khi sử dụng ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016, TTCK Trung Quốc phải 2 lần đóng cửa giao dịch vào ngày 4 và 7-1-2016 đúng 30 phút.
Stephen Roach, cựu Chủ tịch của Morgan Stanley châu Á và hiện đang là thành viên cao cấp của Đại học Yale nói rằng: Một mặt Trung Quốc muốn để cho thị trường đóng vai trò quyết định chính trong cơ chế tỷ giá, nhưng khi thị trường thực thi vai trò này lại đưa ra những chính sách ngăn cản nó. Trung Quốc chưa thể tiến tới cơ chế thị trường. |
Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Trung Quốc (CSRC-China Securities Regulatory Commission) đã lên tiếng nghi ngờ về cơ chế tự ngắt này trong việc ngăn chặn độ bất ổn của TTCK Trung Quốc. Phản ứng với chính sách “dị thường” của CSRC, nhiều nhà đầu tư đã phàn nàn trên mạng xã hội weibo (một mạng xã hội rất phổ biến ở Trung Quốc) rằng: “CSRC đang đối xử với nhà đầu tư như kiểu vật thí nghiệm để ghi dấu ấn lịch sử. Và khi chính sách thất bại, họ lại kết luận rằng “thiếu kinh nghiệm”.
Nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc lên tiếng yêu cầu CSRC phải chịu trách nhiệm về sự quản lý yếu kém. Các nhà phân tích cho rằng, việc đóng cửa giao dịch ngay trong phiên 4-1-2016 khi chạm ngưỡng 7% đã tạo nên lực bán tích lũy dồn nén không được giải tỏa và các nhà đầu tư lại tranh nhau bán ở phiên kế tiếp. Đến phiên 7-1-2016, chỉ giao dịch mới 30 phút lại đóng cửa và tiếp tục dồn lực bán sang phiên kế tiếp. Cơ chế tự ngắt vô tình trở thành khe cửa hẹp và đám đông tranh nhau “tẩu thoát”. Nhưng đó không phải là sự thất bại lớn nhất của Trung Quốc về mặt chính sách. Chính sách không rõ ràng của PBoC (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) mới thực sự đang là dấu hỏi lớn về khả năng quản lý của những người điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lo ngại NDT tiếp tục mất giá
Việc Trung Quốc đã phá giá hơn 1% giá trị đồng NDT trong 2 tuần đầu tháng 1-2016, trong đó phiên phá giá mạnh 0,51% vào ngày 7-1-2016 đang có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối. Theo ước lượng từ Công ty đầu tư và môi giới chứng khoán CLSA, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã sụt giảm hơn 600 tỷ USD so với đỉnh cao vào tháng 6-2015, khi trung bình mỗi tháng khoảng 100 tỷ USD tháo chạy khỏi Trung Quốc. Điều này cho thấy khả năng Trung Quốc đã bán ngoại tệ để giữ cho đồng NDT không bị mất giá mạnh.
Giữa hành động và lời nói của các nhà quản lý Trung Quốc đang cho thấy sự thiếu thống nhất. Cuối năm 2015, Trung Quốc đã gia nhập vào rổ SDR của IMF, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn quốc tế hóa đồng NDT. Và đầu năm 2016, Trung Quốc lại đưa ra hàng loạt thông điệp mới: ngày 7-1-2016, PBoC nói rằng họ sẽ quốc tế hóa mạnh hơn đồng NDT và tiến tới tự do lãi suất, cải cách cơ chế quản lý tỷ giá. Như vậy cho thấy việc quốc tế hóa đồng NDT yêu cầu Trung Quốc hạn chế can thiệp vào biến động tỷ giá. Thế nhưng, các dữ liệu gần đầy cho thấy, Trung Quốc đang sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp mạnh tay vào tỷ giá.
Eswar Prasad, thành viên cao cấp tại Viện Brooking và từng là Trưởng bộ phận IMF tại Trung Quốc, nói với CNBC: “Vấn đề là khi bạn cố gắng làm chậm quá trình mất giá của đồng NDT và không đưa ra một chiến lược rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh có nghi ngờ về triển vọng của nền kinh tế, sẽ khiến cho nhà đầu tư càng thêm hoảng loạn và cố gắng thoát khỏi quốc gia này. Các nhà đầu tư ngoại sẽ ít quan tâm đến thị trường và không dám đổ vốn vào bởi e ngại độ biến động cao”.
Trong cơ chế giá theo thị trường, điều nhà đầu tư lo ngại không phải tăng hay giảm của tỷ giá, mà độ biến động bất ổn mới là vấn đề cần quan tâm. Việc can thiệp chính sách có thể dẫn đến những biến động thất thường. Với kỳ vọng của giới phân tích về khả năng đồng NDT còn tiếp tục mất giá (thậm chí về mức 7,7NDT đổi 1USD), các nhà đầu tư lo lắng việc Trung Quốc đang làm chậm đà mất giá của đồng NDT sẽ tiềm ẩn rủi ro làm mất giá mạnh hơn đồng NDT khi PBoC ngừng can thiệp.
Chính sách tỷ giá phiên bản Trung Quốc?
Đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam ban hành một chính sách tỷ giá mới: Tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày và các NHTM sẽ đưa ra tỷ giá trong biên độ ±3% so với tỷ giá trung tâm. Đồng thời, NHNN cũng đưa ra thông điệp trước về khả năng thực thi lãi suất âm cho tiền gửi ngoại tệ. Thậm chí, sẽ không cho rút ngoại tệ tại Việt Nam mà phải chuyển đổi sang VNĐ. Sở dĩ gọi đó là chính sách tỷ giá mới, vì trước đây NHNN đề ra hạn ngạch khoảng 2% cho mức trần mất giá của VNĐ.
Lưu ý, Trung Quốc cho phép biên độ tỷ giá quanh ngưỡng ±2% so với tỷ giá chính thức do PBoC công bố hàng ngày; còn Reuters cho biết cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc đang “lệnh ngầm” cho một số NH giới hạn việc bán ra đồng USD trong tháng 1-2016 để hạn chế việc dòng vốn đang tháo chạy. Như vậy có thể thấy, chính sách tỷ giá mới của NHNN Việt Nam “tương đồng” với Trung Quốc. Và cả Trung Quốc và Việt Nam đều gặp phải một số vấn đề tương tự như nhau: Sự suy yếu của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế bởi mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu; khả năng phải đối mặt với làn sóng tháo vốn khi FED tăng lãi suất; kỳ vọng đồng nội tệ bị mất giá (hiện VNĐ đang được kỳ vọng mất giá từ 3-5% trong năm 2016).
Ảnh minh họa. |
Nếu như xem Trung Quốc đang thử nghiệm mô hình này, cho thấy cơ chế tỷ giá của Trung Quốc đang không hoạt động hiệu quả trong việc hạn chế đầu cơ tỷ giá. Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc là minh chứng mà cơ quan quản lý chính sách Việt Nam cần phải xem xét trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Mặc dù NHNN Việt Nam phát đi những thông cáo về việc cho phép điều hành tỷ giá theo hướng thị trường hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Việt Nam đang lặp lại những hành động can thiệp mà Trung Quốc đang làm như: cam kết “sẽ bán ngoại tệ khi cần thiết” hoặc “không phá giá cho đến hết năm 2015” (tuyên bố vào tháng 8-2015), hoặc việc bán ra ngoại tệ trong thời gian gần đây để giữ ổn định tỷ giá (mặc dù quý IV-2015 VNĐ vẫn mất giá nhẹ). Dù không có số liệu về làn sóng tháo vốn khỏi Việt Nam, nhưng việc khối ngoại liên tục bán ròng gần 100 triệu USD trên TTCK vào tháng 12-2015, cũng là mức bán ròng mạnh nhất trong năm 2015, cho thấy dấu hiệu bất ổn của chính sách tỷ giá.
Theo báo cáo HSBC phát hành đầu năm 2016, khi nguồn dự trữ của NHNN ngày càng mỏng (tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý III-2015), NHNN có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới. HSBC kỳ vọng VNĐ vẫn duy trì mức 22.500 đồng trong quý I-2016, nhưng sẽ tăng mạnh lên mức 23.000 đồng/USD vào cuối năm 2016.