Có thể đó là tác động đáng kể của việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông hiện nay. Ngay tối đó, khi báo chí đăng nhiều về vụ một người đàn ông say rượu điều khiển ô tô tông liên hoàn 5 ô tô khác cùng nhiều xe máy, làm một nữ sinh tử vong (diễn ra tại TP Thủ Đức), nhiều người trong đám cưới đã chủ động đổi bia thành nước và nhắc nhau phải tránh bia rượu khi lái xe.
Từ khi lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia, nhiều người đã có sự thay đổi đáng kể trong sinh hoạt liên quan đến bia rượu.
Trước đây, một số người có thói quen sau giờ làm việc “lai rai chút chờ bớt kẹt xe rồi về”; hoặc tranh thủ hẹn đối tác, mối mang vào buổi chiều tối để bàn công việc; tập thể dục thể thao rồi ăn uống chút trước khi về nghỉ; dự đám tiệc cũng có “đưa cay” chút… Thì nay, nhiều người đã giảm hẳn những việc này.
Có dịp đi đường vào khoảng 19-20 giờ mỗi tối, chúng ta dễ nhìn thấy ở một số giao lộ lực lượng công an làm việc khá đông, để đo nồng độ cồn ngẫu nhiên đối với bất kỳ người điều khiển phương tiện giao thông nào trong lúc chờ đèn đỏ. Thậm chí có nơi kiểm tra gần như tất cả mọi người, trước hết xem có cồn trong hơi thở không, nếu có tiếp tục kiểm tra mức độ để có hình thức xử lý phù hợp.
Chính vì thế, nhiều quán ăn, quán nhậu gần đây trầm lắng hẳn, bởi nhiều người có thói quen uống xong tự lái xe về, giờ đây trước “nguy cơ” bị xử lý, nhiều người đã chọn cách ứng xử khác.
Quán xá trở nên đìu hiu trong bối cảnh kinh tế khó khăn phải chăng cũng là biểu hiện tích cực, để thúc đẩy nhiều người tiết kiệm hơn, thay vì còn lãng phí vào bia rượu?
Thực tế xã hội hiện nay cho thấy, thói quen sử dụng rượu bia và uống rượu bia xong vẫn điều khiển xe cộ có vẻ như phổ biến đến mức nhiều người xem điều đó là bình thường. Bia rượu dường như đã trở thành “đầu câu chuyện”, dù để bàn bạc làm ăn, chào mừng một việc gì đó hay là để “xả xui”.
Người ta có thể uống ở rất nhiều nơi, ngoài quán xá hay trong nhà, còn ở nơi làm việc, ngoài đường, trên công trường… Người uống có đủ lứa tuổi, không chỉ đàn ông còn nhiều phụ nữ, trong đó không ít bạn trẻ. Người ta uống không chỉ trong các đám tiệc còn trong các bữa ăn, các cuộc nhậu “chính thức” và nhiều trong số đó chỉ có bia rượu “khan” (theo kiểu uống vì ghiền, không có thức ăn kèm theo đáng kể)…
Hiện tượng đó chắc ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến.
Số liệu năm 2021 cho thấy, tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao, với 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia 30 ngày qua tính đến ngày thực hiện khảo sát. Tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới: cứ 3 nam giới có 1 người uống ở mức nguy hại.
Mức tiêu thụ rượu bia ở người dưới 16 tuổi ở Việt Nam hiện cũng đang tăng dần qua các năm: năm 2005 là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, bước sang năm 2018 và 2019 con số này đã tăng lên 7,9 lít…
Hậu quả của tình trạng này dễ thấy nhất là nạn ẩu đả nhau mà hàng năm ngành y tế đều có số liệu thống kê. Chẳng hạn, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số ca cấp cứu do đánh nhau là 2.521 ca và 43% trong số này phải nhập viện điều trị.
Dù số liệu không nói đến nguyên nhân của các trường hợp này, nhưng trên thực tế lý do liên quan đến bia rượu không nhỏ.
Những hậu quả khác của bia rượu ngành y tế cũng đã nhiều lần khuyến cáo liên quan đến sức khỏe, thể chất, nòi giống… nhưng gần như số người lưu tâm không đáng kể.
Theo số liệu của Bộ Y tế công bố năm 2022, rượu bia hiện xếp thứ 2 trong tổng 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó mỗi năm có khoảng 40.800 người tử vong do rượu bia, cao hơn nhiều so với số tử vong do tai nạn giao thông (năm 2022, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 7.000 người…).
Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội…
Điều đáng nói, nhiều người đã uống rượu bia vẫn vô tư điều khiển xe, thậm chí còn chở nhiều người khác và thường tự tin rằng mình hoàn toàn làm chủ được tay lái.
Khi đã có hơi men, khả năng ứng phó, kiểm soát tình huống, tốc độ thường bị ảnh hưởng, lại dễ buồn ngủ, dễ mất kiềm chế khi có sự cố…, tất cả những điều đó đều tác động xấu đến an toàn của bản thân và người khác.
Cuối năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn ở mức rất cao, khiến nhiều người hạn chế vi phạm.
Tuy nhiên, sau một số đợt triển khai thực hiện tập trung, tình hình có vẻ trầm lắng, cho đến gần đây mới thực sự “siết lại”.
Hiện thực trạng giao thông ở nước ta có nhiều điểm không thực sự thuận lợi, như diện tích mặt đường ít, mật độ lưu thông quá dày, ý thức chấp hành luật đi đường còn hạn chế…
Do đó, cần thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Điều này góp phần quan trọng vào việc hạn chế tai nạn giao thông, nhất là các trường hợp nghiêm trọng.
Đồng thời, qua đó, góp phần điều chỉnh hành vi, ứng xử của nhiều người với bia rượu, trong đó có việc giảm sử dụng bia rượu và khi đã sử dụng thì không điều khiển phương tiện giao thông, góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác.
Từ đây, có thể tác động tích cực đến việc sử dụng rượu bia văn minh hơn, tránh lạm dụng nhằm bảo đảm sức khỏe và tiết kiệm cho bản thân và toàn xã hội.