Euro chưa hồi phục, giá vàng thấp, USD bất ngờ rớt mạnh và lãi suất tiền gửi không hấp dẫn… khiến nhiều người rơi vào bế tắc với túi tiền của mình.
Euro chưa hồi phục, vàng vẫn ở mức thấp trong khi USD bất ngờ rớt 600-700 đồng trong một khoảng thời gian ngắn cùng với lãi suất nhiều loại tiền gửi không hấp dẫn… đã khiến nhiều người rơi vào tình trạng bế tắc với túi tiền của mình.
Giật mình vì USD giảm
Giống như nhiều người, ông Nguyễn Văn Tuyên ở Đống Đa, Hà Nội có thói quen nhiều năm nay: hễ cứ có tiền dôi dư mà chưa có kênh đầu tư nào hấp dẫn là mua USD tích trữ. Tháng 8 vừa qua, ông Tuyên đã rút một khoản tiền ra khỏi chứng khoán do thị trường u ám.
Cú sốt nóng của USD trong tháng 8 vừa qua đã khiến ông đứng ngồi không yên khi vẫn cầm trên tay tiền đồng. Trên thị trường tự do, USD đã nhanh chóng từ mức 21.940 đồng hồi cuối tháng 7 tăng vọt lên 22.500, 22.600, rồi 22.700…
Với kinh nghiệm đúc rút được qua quá trình nhiều năm tích đô, ông cho rằng USD đã lên thường khó xuống nhiều, nếu có xuống rồi cũng sẽ lại lên. Ông Tuyên đã mua toàn bộ USD với giá 22.900 đồng/USD, chỉ thấp hơn một chút so với mức giá đỉnh cao ghi nhận trên thị trường tự do hôm 25/8: 22.950 đồng/USD.
Tuy nhiên, lần mua gom đô lần này của ông Tuyên có lẽ là một thất bại. Riêng trong tuần 5-9/10, USD trên cả thị trường tự do và ngân hàng đều giảm khoảng 300 đồng/USD, tương đương giảm khoảng 1,5% - một con số biến động lớn chưa từng thấy.
So với mức giá USD mua hồi cuối tháng 8 và nếu bán ra ở thời điểm này, ông Tuyên mất khoảng 700 đồng/USD.
Ông Nguyễn Hoàng, tại Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, vốn rất tin tưởng vào thói quen tích vàng và USD không cần tính toán của mình cũng thực sự bất ngờ với cú quay đầu giảm mạnh “chưa từng thấy” của đồng USD trong vài ngày qua.
“Cú giảm lần này thực sự sốc. Thông thường đây là mức biến động tính bằng nhiều tháng cho tới cả năm và theo chiều lên chứ không phải xuống”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông Thức, một nhân viên làm việc cho một đơn vị nước ngoài tại Việt Nam và được nhận lương bằng USD quy ra tiền Việt, cho biết, biến động trong vài ngày qua quá mạnh và nó sẽ khiến lương thực nhận của ông trong tháng này giảm 1-2 triệu đồng so với tháng 8.
Sự giảm giá chưa từng thấy của USD trên thị trường có vẻ chưa dừng lại khi các chính sách siết chặt và kiểm soát đầu cơ và sử dụng ngoại tệ của NHNN càng ngày càng thắt chặt.
Dù đã có những thông tin về việc cơ quan đã phải bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường để dự đoán về sự tăng giá khó cưỡng của USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi túi tiền liên tục bị đốt cháy thì ‘chân lý cầm đô” đang bị nghi ngờ.
Đổ tiền vào đâu cũng sợ
Biến động theo chiều tăng đều đặn một vài phần trăm/năm của đồng USD đã diễn ra cả chục năm nay. Đối với nhiều người giàu, tích đô không lỗ, thậm chí có lãi khá tốt dường như đã trở thành một chân lý.
Tuy nhiên, cú sốc giảm mạnh lần này có thể làm lung lay chân lý này. “Điểm đến an toàn cuối cùng” đã không còn an toàn nữa. Nó khiến nhiều người không biết nên chọn kênh đầu tư nào.
Trước đó, hồi giữa tháng 7, nhiều nhà giàu Việt chuyên gom đô tích vàng cũng đã âm thầm chịu nỗi đau do vàng về đáy thấp nhất 5 năm, euro bốc hơi. Giá vàng rớt từ gần 50 triệu đồng/lượng hồi cuối 2011 về 35-36 triệu đồng/lượng vẫn chưa ngừng nghỉ.
Nhiều người bắt đáy mua vào đã nhanh chóng mất khoảng 2 triệu đồng/lượng trong vài tuần. Hiện tại vàng vẫn đang ở mức dưới 34 triệu đồng/lượng và vẫn chưa hút nhiều khách mua vào.
Trong khi vàng bị chán, đầu tư vào euro cũng đã khiến nhiều người ôm hận và không phải là kênh ưa thích. Ông Phạm Đông Long, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán FPTS, cho rằng, ông đang trở lại xem xét kênh chứng khoán.
“BĐS gần đây cũng nóng, các thông tin về thị trường đều khá tốt nhưng giao dịch thực tế không hề dễ dàng. Giá rao cao nhưng muốn bán một căn hộ rất khó. Tôi đang cân nhắc việc vào lại chứng khoán. Có nhiều thông tin tốt đến với nền kinh tế, các tổ chức nước ngoài cũng liên tục đánh giá tốt. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam còn nhiều vấn đề, trong đó đáng ngại là sự minh bạch. Các chỉ số tài chính chỉ là cái vỏ bề ngoài, còn thực chất nội bộ bên trong như thế nào và doanh nghiệp hoạt động có nghiêm túc và tôn trọng nhà đầu tư không mới quan trọng”, ông Long chia sẻ.
Trên thực tế, ngay sau có thông tin Hiệp định TPP đã được các nước thông qua, VN-Index đã tăng nhiều phiên và hiện đã lên trở lại ngưỡng 590 điểm.
Lãi suất tiền gửi VND ở mức khoảng 6,5%/năm, tiền USD ở mức 0,25% (cá nhân)… cũng không còn hấp dẫn như vài năm trước đây.
“Nhìn chung hầu hết các kênh đầu tư truyền thống giờ đều không còn thực sự hấp dẫn. Chính sách chống đôla hóa cũng như vàng hóa nền kinh tế của NHNN có tác động khá mạnh. Dòng tiền đang được hướng vào sản xuất”, ông Long nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo nhà đầu tư này, kinh doanh không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. doanh nghiệp lớn của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, chưa nói tới doanh nghiệp nhỏ và rồi các doanh nghiệp mới bước vào kinh doanh.
Theo ông Long, ở các nước, TTCK là nơi để người dân góp tiền vào cho doanh nghiệp làm ăn. Đây cũng là điều ông thấy hợp lý nhất đối với mình. Tuy nhiên, niềm tin của ông vào các doanh nghiệp trên sàn vẫn còn là vấn đề phải cân nhắc thêm. Đó là lý do, hiện tại ông vẫn tạm thời chọn gửi tiền NH để lấy lãi trong năm nay khi lạm phát ở mức thấp.