Ưu đãi công nghiệp hỗ trợ từ gốc

Lãi suất ưu đãi cho sản xuất CNHT

(ĐTTCO) - Một chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tập trung vào 6 lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghệ cao được xác định trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP (NĐ111). Chương trình phát triển CNHT 2016-2025 dự kiến ban hành vào quý II với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng. Vấn đề là những ưu đãi cho CNHT phải được thực hiện đúng, hiệu quả từ gốc chứ không chỉ hỗ trợ từ ngọn.

Lãi suất ưu đãi cho sản xuất CNHT

Là DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn LG, ông Hoàng Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty 4P, cho biết sản phẩm chính của đơn vị là bản mạch điện tử (PCBA) cho các loại ti vi LCD, LED, 3D…; PCBA cho điện thoại di động, thiết bị âm thanh ô tô, máy in, modul camera, blue tooth, wifi… cung ứng cho các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như General Motor, Renault, Volkswagen, Honda… Doanh số bán hàng năm 2015 của Công ty 4P đạt khoảng 700 tỷ đồng. Để ngành CNHT nội địa phát triển trong bối cảnh hội nhập, cần đảm bảo 3 nhân tố về môi trường kinh doanh, chính sách pháp luật và khả năng tiếp cận vốn của DN. Theo đó, cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DN FDI và DN nội địa; quy định đơn giản về pháp luật kinh doanh, tạo điều kiện cho DNNVV sử dụng dịch vụ kế toán, thuế; tháo gỡ những bất cập chính sách thuế, loại bỏ quy định gây khó khăn cho DN để khuyến khích DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng. Trong vấn đề tiếp cận vốn, cần phân biệt giữa lãi suất cho hoạt động đầu tư sản xuất và lãi suất kinh doanh thương mại, đồng thời có chính sách giúp DN CNHT bảo toàn vốn đầu tư.

Sau nhiều năm gia công chi tiết cơ khí chính xác và chế tạo máy móc dây chuyền tự động cho DN FDI và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, EU, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường, nhận định khó khăn lớn nhất với DN CNHT là vốn và công nghệ. Các DN CNHT thường gặp khó khăn vì không có mặt bằng sản xuất ổn định, chủ yếu đi thuê lại với hợp đồng ngắn hạn 3-7 năm nên không thể đầu tư lâu dài. Máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu nhưng không thể đầu tư mới vì không có khả năng tài chính, vay vốn ngân hàng khó, lãi suất cao. Bên cạnh đó, nhiều DN CNHT không hiểu rõ về công nghệ, hệ thống quản trị DN yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp, hiệu suất lao động kém và phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ bên ngoài nên chi phí đầu vào cao. Hơn nữa, việc phát triển CNHT phải tập trung và đồng bộ, để xây dựng mô hình này cần có các nhà sản xuất vệ tinh nhưng ở Việt Nam rất yếu. Các DN CNHT chưa dám đầu tư chuyên sâu các lĩnh vực CNHT vì có quá nhiều rủi ro. Để phát triển ngành CNHT cần tham khảo các mô hình cụm khu công nghiệp tập trung của Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…

Khó khăn lớn nhất với DN CNHT là vốn và công nghệ.

Khó khăn lớn nhất với DN CNHT là vốn và công nghệ.

Giảm dần tỷ lệ nhập khẩu linh, phụ kiện

Đại diện Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết để phát triển ngành CNHT trong thời gian tới, Chính phủ đã ban hành một loạt ưu đãi phát triển về thuế, đất đai và tín dụng. Về thuế, DN CNHT được miễn thuế thu nhập DN và thuế GTGT trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức thuế 10% thêm 15 năm. Với thuế nhập khẩu, DN CNHT sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định như nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư. Về tiếp cận đất đai, DN CNHT được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất, các khu CNHT sẽ được miễn tiền thuê đất 20 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động; được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư nhà nước; được vay tối đa 70% vốn đầu tư dự án phát triển CNHT. Đặc biệt, Chương trình phát triển CNHT trong 10 năm (2016-2025) nhằm hỗ trợ DN CNHT trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo đó, hoạt động R&D để sản xuất sản phẩm CNHT được tài trợ kinh phí từ chương trình và quỹ phát triển R&D. Theo đó, Chương trình sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị, 50% chi phí chế tạo, thử nghiệm sản phẩm CNHT trong 6 lĩnh vực ưu tiên. Các dự án sản xuất vật liệu sử dụng trên 85% khoáng sản trong nước được hỗ trợ tối đa 75% chi phí chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó còn có các ưu đãi về đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường cho DN CNHT.

Đánh giá về bức tranh phát triển CNHT thời gian qua, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng các DN CNHT Việt Nam tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực linh kiện kim loại, linh kiện điện - điện tử, linh kiện nhựa - cao su. Số lượng DN CNHT trong 3 lĩnh vực này không ngừng tăng trong những năm qua. Cụ thể, linh kiện kim loại tăng từ 304 DN (năm 2005) lên 656 DN (2013); linh kiện điện - điện tử tăng từ 125 DN (2005) lên 416 DN (2013); linh kiện nhựa - cao su tăng từ 113 DN (2005) lên 311 DN (2013). Các DN CNHT Việt Nam hiện đang xuất khẩu 58 sản phẩm linh kiện, phụ kiện đến các thị trường EU, Bắc Á, ASEAN, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện của Văn phòng JETRO Hà Nội, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam của các DN Nhật Bản vẫn thấp, chỉ đạt 32,1%. Vì thế, để DN Việt Nam có thể chế tạo, sản xuất được máy móc văn phòng, sản phẩm điện gia dụng, Chính phủ cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp họ sản xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các tin khác