![]() |
Một báo cáo vừa được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) công bố, cho thấy về tổng thể, các ưu đãi đầu tư có thể vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, các ưu đãi tài chính có xu hướng đóng vai trò bổ sung, không phải là nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư. UNIDO khuyến cáo việc cấp ưu đãi đầu tư nên được xem xét kỹ hơn vì đây là một chính sách tốn kém tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách đối với nước sở tại. Các ưu đãi cần phải được rà soát liên tục nhằm đánh giá tính hiệu quả. Theo đó, nước sở tại nên có cơ chế thực hiện và giám sát để xác định liệu các ưu đãi đó có thực sự mang lai kết quả đầu tư như mong muốn.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp (DN) FDI được hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn so với DN trong nước, như vay tiền từ các ngân hàng Việt Nam với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, nhiều chính quyền địa phương hỗ trợ DN FDI giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, chi phí quảng cáo, hỗ trợ đào tạo người lao động, khen thưởng... Kết quả khảo sát PCI 2013 công bố cách đây không lâu, cho thấy DN dân doanh đang cảm nhận sự lấn át từ phía DN FDI, DNNN.
Theo kết quả khảo sát, có 27% DN dân doanh cho biết DNNN có thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai và vay vốn, tín dụng. Còn với DN FDI, 32% DN dân doanh trong nước cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn DN trong nước. Những ưu đãi theo kiểu phân biệt giữa DN trong và ngoài nước đang trở thành lực cản cho sự phát triển khi “người cần không được, người không cần lại được”.
Tuy nhiên, có một điểm DN trong và ngoài nước đều mong muốn và kỳ vọng để cải thiện môi trường kinh doanh là các cam kết từ việc tham gia các hiệp định thương mại tư do (FTA). Đó là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam - EU… có thể giúp Việt Nam ngày càng cải thiện hơn môi trường kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận thị trường… đem lại nhiều cơ hội mới hỗ trợ chiến lược phát triển của Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Đồng thời có thể hỗ trợ quá trình gỡ bỏ các rào cản thương mại trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và mua sắm chính phủ. Quá trình này cũng giúp phát triển các chuẩn mực mới trong hệ thống quy định chặt chẽ, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo được một sân chơi bình đẳng cho DN; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ; tình trạng tham nhũng và đầu tư không hiệu quả bị xóa bỏ.