Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn đạt kết quả khả quan với mức tăng trưởng 5,05%. Ðáng lưu ý, nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, là nền tảng quan trọng để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024.
Vững vàng “vượt cơn gió ngược”
Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội năm 2023, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, mức tăng trưởng 5,05% tuy chưa đạt kỳ vọng nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, kết quả này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Ðiểm tích cực là nền kinh tế vẫn giữ được xu hướng phục hồi, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nhiều chỉ tiêu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đều đạt kế hoạch đề ra.
Nhìn từ phía cung, “bệ đỡ” của nền kinh tế là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và gặt hái được nhiều kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại trong những tháng cuối năm; ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc 9,32% trong quý IV/2023 nhờ hiệu ứng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Khối ngành dịch vụ cũng đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch, từ đó kích thích cầu tiêu dùng gia tăng và lan tỏa mạnh tới sản xuất của các ngành vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí. Nhìn từ phía cầu, tiêu dùng cuối cùng tuy chưa thể sôi động trở lại như trước khi đại dịch nhưng cơ bản vẫn ổn định, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
Hơn nữa, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu khoảng 28 tỷ USD đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là điểm sáng tích cực trong bức tranh kinh tế-xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã có một năm nỗ lực “vượt cơn gió ngược” thành công. Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với các nền kinh tế mở nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới kỳ vọng.
Trong khi đó, báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố gần đây cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực và tăng trưởng năm 2024 được dự báo có thể đạt mức 6%.
Nhiều dư địa cho tăng trưởng
Về triển vọng kinh tế năm 2024, GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng đến cuối năm, tình hình sẽ được cải thiện hơn. Ðiểm tích cực là lạm phát của các nền kinh tế lớn sẽ được kiểm soát tốt, lãi suất toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm áp lực cho tỷ giá hối đoái và chính sách tiền tệ, tạo dư địa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì xu hướng đi lên, quý sau cao hơn quý trước cho thấy nguồn lực trong nước vẫn có những yếu tố khá ổn định. Bên cạnh đó, nguồn lực tài khóa dồi dào, nợ công ở mức thấp cũng là yếu tố thuận lợi để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ hơn chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Hơn nữa, việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chao đảo cũng là yếu tố tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo dư địa cho tăng trưởng. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi tốt hơn, cộng với nguồn lực trong nước được duy trì sẽ giúp cho đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 tiếp nối được với nền tảng tăng trưởng năm 2023. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% không phải quá khó để có thể đạt được”, GS, TS Hoàng Văn Cường phân tích.
Quyết tâm đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 với 12 nhóm giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Trước đây trong công tác điều hành thường đặt mục tiêu, nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, sau đó mới đến các giải pháp khác.
Tuy nhiên bước sang năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Ðiều đó cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế bù đắp cho những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2024, nền kinh tế có nhiều cơ hội để tăng tốc, phát triển bứt phá nhờ được tạo đà từ kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Cùng với đó, các động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều được dự báo có triển vọng tốt.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước và dần lấy lại đà tăng trưởng. Ðối với tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tiệm cận mức hai con số. Hoạt động đầu tư được dự báo có nhiều cơ hội trong năm 2024 trên cả ba lĩnh vực đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Ðáng lưu ý, thu hút đầu tư nước ngoài rất tích cực nhờ các kết quả của hoạt động ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ðầu tư tư nhân cũng được dự báo tăng trưởng tốt hơn do khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Quốc hội, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2024 là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ðây cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025, do đó Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024
Tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5%
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%
Tốc độ tăng CPI bình quân 4-4,5%
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%
Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ
Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
(Nguồn: Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024)
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu