Vài suy nghĩ về chiếc khẩu trang

(ĐTTCO) - Bình thường, cái khẩu trang chỉ quen thuộc với những người phải làm việc trong môi trường độc hại. Ngay cả ở những đô thị báo động ô nhiễm bụi mịn và khí thải, khẩu trang cũng không phải vấn đề quá bận tâm với đám đông. Thế nhưng, trong cơn địa chấn Covid-19, cái khẩu trang trở thành câu chuyện nóng bỏng.
Thầy giáo NVT ở Trường THCS Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau vừa bị kiểm điểm vì... buôn bán khẩu trang với giá cao, khiến dư luận ngỡ ngàng. Thầy giáo NVT là người đầu cơ kiếm lợi từ khẩu trang?
Khi tin tức về virus corona được cảnh báo trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, thầy giáo NVT đã vượt 30km từ huyện Đầm Dơi lên thành phố Cà Mau để mua 2 hộp khẩu trang với giá 260.000 đồng, tổng cộng 100 cái. Buổi lên lớp trước khi nghỉ học tránh dịch, thấy nhiều học sinh trong lớp không có khẩu trang, thầy giáo NVT đã chia lại cho các em.
Dĩ nhiên, 20 học sinh được phát khẩu trang cũng gửi lại tiền cho thầy giáo, trong đó 19 em đưa 3.000 đồng và 1 em đưa 4.000 đồng. Thầy giáo NVT không có tiền lẻ để thối lại và học sinh cũng không cò kè với người thầy tốt bụng.
Vài suy nghĩ về chiếc khẩu trang ảnh 1 Ảnh minh họa.
Vụ việc bỗng dưng ầm ĩ khi Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân thuận theo yêu cầu của Phòng Giáo dục huyện Đầm Dơi, bắt thầy giáo NVT phải kiểm điểm vì hành vi bán khẩu trang tăng giá, vi phạm quy định của Chính phủ. Điều này khiến nhiều người băn khoăn. Bởi lẽ, ở một địa phương vùng sâu vùng xa muốn mua khẩu trang không dễ, nhất là trong hoàn cảnh loại hàng này đang khan hiếm.
Không thể khép tội thầy giáo NVT buôn bán khẩu trang để kiếm lời. Bởi lẽ, với 20 cái khẩu trang đã chia cho học sinh sử dụng, thầy giáo NVT chỉ dư ra 9.000 đồng. Có ai kinh doanh để thu 9.000 đồng? Chắc chắn không. Hơn nữa, thầy giáo NVT hoàn toàn có quyền giữ cả 100 cái khẩu trang để dành cho gia đình và người thân.     
Đành rằng, ngăn chặn đầu cơ khẩu trang trong mùa Covid-19 hoành hành là rất cần thiết, nhưng không thể “nâng quan điểm” với trường hợp thầy giáo NVT. Nếu gọi là trục lợi từ khẩu trang, phải đề cập đến ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, TPHCM đã tranh thủ vị trí công tác để gom 500.000 khẩu trang và phân phối giá cao ra thị trường.
Ngành y tế được ưu tiên cung cấp khẩu trang, nên sự lạm dụng của ông Phạm Hữu Quốc càng đáng chê trách hơn những kẻ buôn lậu gần 1 triệu khẩu trang đã bị cơ quan chức năng phát hiện tại kho hàng số 4 đường Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM vào đêm 3-3. Ông Phạm Hữu Quốc thanh minh “muốn làm từ thiện không có mục đích mua bán gom kiếm lời”, nhưng không chứng minh được đoàn từ thiện nào cần đến số lượng khẩu trang lớn như vậy và sẽ phân phát ở đâu. Về mặt pháp luật, lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi cũng bị chế tài nghiêm khắc. 
Khẩu trang lên cơn sốt giữa mùa dịch Covid-19. Tại TPHCM, có 20 doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang với sản lượng 2,3 triệu cái mỗi ngày, nhưng người dân vẫn lùng mua rất khó khăn. Cảnh tượng người dân xếp hàng từ mờ sáng trước nhà thuốc để được sở hữu vài cái khẩu trang, khiến ai cũng xót xa. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM đã liên hệ với Tổng công ty X28 của Bộ Quốc phòng để cung ứng thêm khoảng 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày hòng giúp người dân yên tâm chống lại virus corona. 
Cái khẩu trang chống dịch là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Ứng xử với cái khẩu trang có không ít điều phải bận tâm về môi trường cộng đồng lẫn ý thức phòng bệnh. Chia sẻ khẩu trang khác hoàn toàn đầu cơ khẩu trang. Cách phản ứng của Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân và Phòng Giáo dục huyện Đầm Dơi đã làm tổn thương thầy giáo NVT. Còn thầy giáo NVT vì 20 cái khẩu trang chia lại cho học trò và 9.000 đồng không có tiền lẻ thối lại, đã trở thành tâm điểm của bi hài kịch thời Covid-19. 
Giữa sự thật éo le và quan hệ đồng nghiệp, cũng như ánh mắt dò xét của những người xung quanh, thầy giáo NVT miễn cưỡng chấp nhận theo quan niệm riêng: “Tôi nghĩ nhà trường làm quy trình kiểm điểm tôi là đúng. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tôi nhận thức không sâu sát, đã vô tình bán có 20 khẩu trang. Tôi nhận thức chưa tới, vô tình tiếp tay cho những người đầu cơ.
Có nhiêu đó mà ảnh hưởng đến danh tiếng. Có người đọc hiểu và chia sẻ thông cảm tôi cảm ơn, còn chửi thì cũng vui vẻ chấp nhận vì mình sai nên đâu có trách ai được. Qua báo chí, có đồng nghiệp và có người muốn tư vấn pháp lý xung quanh việc kiểm điểm tôi, tôi chân thành cảm ơn, nhưng tôi thấy không cần thiết làm cho sự việc rắc rối thêm. Kiểm điểm để cho mình thấy được cái tốt, cái gì nên và không nên để sửa chữa cho tốt hơn thôi…”.
Nếu khăng khăng về sự đúng đắn của bản kiểm điểm dành cho thầy giáo NVT, sẽ tiêu diệt thái độ tương thân tương ái trong xã hội, nhất là trong không gian trường học đang bị bủa vây với nhiều hệ lụy từ Covid-19. Cái khẩu trang đâu chỉ ở trên mặt người. Muốn chung tay vượt qua hiểm họa Covid-19, còn phải nhìn thấy cái khẩu trang nữa nằm trong lòng người.
Cái khẩu trang trên mặt người để đối phó với virus corona, còn cái khẩu trang trong lòng người để đối phó với những thị phi. Và chỉ có cái khẩu trang trong lòng người mới có thể giúp con người biết san sẻ, biết cưu mang, biết che chở và biết tin cậy lẫn nhau vượt qua cơn dịch Covid-19. 

Các tin khác