Vai trò của Ấn Độ tại Hiệp định Genève 1954

(ĐTTCO) - Ấn Độ dù không phải là thành viên của Hội nghị Genève nhưng là nước tham gia tích cực, góp phần đạt được thỏa thuận. Không những vậy, Hiệp định Genève còn có ý nghĩa như “cầu nối” cho quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.

Trước khi giành được độc lập, Ấn Độ coi cuộc đấu tranh giành tự do của mình là một phần không thể thiếu trong cuộc đấu tranh lớn hơn của các quốc gia khác chống lại sự thống trị của thực dân. Với sự kết nối sâu sắc về mặt lịch sử và văn minh với các quốc gia Đông Dương, Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ tình đoàn kết đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia này.

Gen-commons.jpg
Quang cảnh Hội nghị Genève 1945

Điều này được thể hiện rõ qua sự ủng hộ của Ấn Độ về mặt chính trị dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc. Ấn Độ làm Chủ tịch Ủy ban quốc tế về thực thi Hiệp định Genève nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Việt Nam.

Hội nghị Genève được tổ chức từ ngày 26-4 với các nội dung gồm: vấn đề Triều Tiên và vấn đề về Đông Dương. Đây là hội nghị được Ấn Độ quan tâm vì những diễn biến ở Đông Dương có tác động tới an ninh của nước này. Phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ vào tháng 4-1954, Thủ tướng Ấn Độ Nehru kêu gọi ngừng bắn và đề nghị đối với xung đột cần “nỗ lực ngăn chặn sự mở rộng và tăng cường”, đồng thời thúc đẩy các xu hướng để có thể đạt được một giải pháp hòa bình.

Ấn Độ đề xuất kế hoạch kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, nhằm bảo đảm độc lập hoàn toàn cho tất cả các nước Đông Dương, đàm phán trực tiếp giữa Pháp, các nước liên kết và Việt Minh; không can thiệp từ bên ngoài dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Thành viên phái đoàn Việt Minh dự Hội nghị Genève hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nehru.

Sau khi nhận được các phản ứng tích cực từ các bên, Thủ tướng Nehru đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình và đàm phán, những điều cần thiết để giúp giảm căng thẳng quốc tế. Đơn cử, Ấn Độ kêu gọi tổ chức Hội nghị Colombo (Srilanka) họp ngày 28-4-1954 và kết thúc ngày 2-5-1954. Tại Hội nghị này, thủ tướng của 5 quốc gia châu Á lúc đó là Myanmar (khi đó là Miến Điện), Sri Lanka (khi đó là Ceylon), Ấn Độ, Indonesia và Pakistan đã gặp nhau để trao đổi quan điểm và thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Đông Dương.

Các đại biểu dự hội nghị đã nhất trí hoàn toàn ở một điểm, đó là chủ nghĩa thực dân phải bị loại bỏ khỏi Đông Dương. Thông cáo ban hành ngày 2-5 liên quan đến vấn đề Đông Dương hoan nghênh những nỗ lực nghiêm túc được thực hiện tại Genève nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề thông qua đàm phán, và hy vọng rằng thông qua thảo luận sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình.

Theo các đại biểu, giải pháp cho vấn đề đòi hỏi phải đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan chủ yếu là Pháp và 3 nước Đông Dương, cũng như các bên khác được mời theo thỏa thuận. Ấn Độ không phải là khách mời mà tham gia Hội nghị Genève với tư cách quan sát viên khi và nhà ngoại giao Ấn Độ Krishna Menon đã đến Genève tham gia các cuộc đàm phán không chính thức.

Hội nghị khai mạc ngày 26-4-1954. Trọng tâm Hội nghị Genève là thảo luận các vấn đề ở Đông Dương khi lực lượng dân tộc chủ nghĩa Việt Nam ngày 7-5 đã đánh bại quân viễn chinh Pháp ở tại Điện Biên Phủ.

Ấn Độ đã trở thành một thành viên có ảnh hưởng tại Hội nghị Genève và thông qua các nỗ lực ngoại giao của mình đã đóng một vai trò quan trọng như một cầu nối giữa các phái đoàn. Sau nhiều tuần đàm phán tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 và phiên cuối cùng về Đông Dương diễn ra vào ngày 21-7-1954 đã giúp lập lại hòa bình với 3 hiệp định riêng biệt - một hiệp định cho mỗi quốc gia Đông Dương.

Hiệp định Genève được ký ngày 20-7-1954 đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Sau đó, ngày 21-7-1954, các bên tham gia đã cùng đồng thuận đưa ra Tuyên bố cuối cùng về Hội nghị Genève. Trong Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Việt Nam do Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết, 2 bên nhất trí ngừng bắn ngay lập tức, độc lập cho Việt Nam và tạm thời chia đất nước thành 2 khu vực tách biệt với một khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17.

Các bên nhất trí không đưa thêm quân nước ngoài vào Việt Nam, không trả thù cựu chiến binh phía đối phương và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 2 năm để thành lập chính phủ cho một nước Việt Nam thống nhất.

Để giám sát việc thực hiện các điều khoản này và theo dõi việc vi phạm chúng, Hiệp định Genève có điều khoản thành lập một Ủy ban hỗn hợp cho Việt Nam với các đại diện từ Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để thực hiện hiệu quả, Hiệp định cũng quy định thành lập Ủy ban Giám sát quốc tế (ISC). Điều 34 quy định việc thành lập ISC bao gồm các đại diện từ Canada, Ba Lan và Ấn Độ.

Ấn Độ duy trì quan hệ cấp lãnh sự quán với cả Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam vào ngày 7-1-1972. Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã có chuyến thăm lịch sử tới Hà Nội vào tháng 10-1954, sau Hiệp định Genève được ký kết. Sau đó, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 2-1958 đã mở ra một chương mới trong quan hệ.

Với tư cách là thành viên ISC, Ấn Độ tiếp tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi sớm giải quyết xung đột ở Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Genève. Ấn Độ tiếp tục ủng hộ chính sách một Việt Nam như Ngoại trưởng Swaran Singh đã nêu tại Quốc hội Ấn Độ ngày 26-4-1972. Ấn Độ hoan nghênh chiến thắng của Việt Nam năm 1975 và công nhận sự thống nhất của Việt Nam vào năm 1976, điều này giúp quan hệ song phương có được chỗ đứng mới vững chắc.

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và đặc biệt sau khi Việt Nam thống nhất, hai nước hợp tác sâu rộng hơn nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện và lâu dài. Hơn nữa, chính sách mở cửa được Việt Nam khởi xướng năm 1986 và chính sách “hướng Đông” do Ấn Độ đưa ra năm 1994 đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia và tạo cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam tiếp tục phát triển trong bối cảnh môi trường địa chính trị và địa kinh tế đang thay đổi. Quan hệ đối tác song phương dựa trên sự hợp tác chung và bền vững tạo thuận lợi cho hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2007, sau đó nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9-2016.

Các tin khác