Đơn cử như mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là “menshop79.com” và “menshopfashion.com” đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…
Thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch Covid-19, lực lượng chức năng qua kiểm tra đã yêu cầu các sàn TMĐT như: Sendo.vn, Shopee.vn, Chotot.com, Lazada.vn, Tiki.vn... xử lý khoảng 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Không chỉ các sàn TMĐT, mà trên mạng xã hội cũng mua bán hàng gian, giả tràn lan.
Không chỉ các sàn TMĐT, mà trên mạng xã hội cũng mua bán hàng gian, giả tràn lan.
Đơn cử lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để tiêu thụ.
Gần đây nhất, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) kiểm tra một kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai, phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, với 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn bán hàng qua mạng xã hội, mỗi ngày tối thiểu chốt 100-200 đơn hàng...
Điều đáng nói, dù lực lượng quản lý thị trường đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT, vi phạm pháp luật đang ngày càng phức tạp.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhập lậu trên các trang TMĐ, mạng xã hội (Facebook, Youtube...) diễn ra phổ biến, công khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng và đe doạ xã hội, niềm tin người tiêu dùng.
“Chiêu” bán hàng nhập lậu, hàng giả trên kênh online thường là thủ đoạn sử dụng hình ảnh thật, hàng chính hãng để quảng cáo, nhưng lại chào bán giá rẻ hơn nhiều hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng nhái, không có nguồn gốc xuất xứ. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những mặt hàng dễ dàng bị gắn mác “hàng ngoại xách tay chính hãng” nhưng thực chất là hàng giả.
Trao đổi với ĐTTC, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết, thực trạng trên có nguyên nhân chủ yếu do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Thêm vào đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục; năng lực, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực TMĐT của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; nhận thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa cao, chưa biết cách để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Do đó, để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, trước mắt Ban chỉ đạo 389 sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực TMĐT.
Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực TMĐT.