(ĐTTCO) - Ngày 21-12, Báo SGGP đã tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 do Sở Công Thương TPHCM triển khai. Tham dự buổi giao lưu có ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM; ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM; bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM; ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan; ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Coop).
Công khai nâng cao trách nhiệm
Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” được thí điểm tại kênh phân phối hiện đại để rút kinh nghiệm, hoàn thiện các quy trình và các giải pháp kỹ thuật. Trên cở sở kinh nghiệm và thành công của kênh phân phối hiện đại sẽ bổ sung các giải pháp cần thiết trước khi triển khai ra kênh phân phối truyền thống. Cụ thể, sắp tới sẽ triển khai với 2 chợ đầu mối để bảo đảm nguồn heo vào chợ phải được kiểm soát có vòng nhận diện và có vòng niêm phong tất cả phương tiện vận chuyển vào chợ. Tiếp theo đó sẽ thí điểm tại 1 số chợ bán lẻ. |
Mở đầu buổi trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết những ngày qua, nhiều người dân tại TPHCM đã thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh (smartphone). Đây là Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn TPHCM, Chi cục Thú y TP và các tỉnh lân cận thực hiện.
Bước đầu, tại các điểm bán thịt, nhân viên bán hàng sẽ hướng dẫn người tiêu dùng cách thức sử dụng điện thoại smartphone, máy tính bảng, máy tính bàn để quét tem truy xuất được dán lên miếng thịt để truy xuất nguồn gốc và các thông tin liên quan đến thịt heo. Sở Công Thương khuyến khích các điểm bán trang bị máy quét tem truy xuất để người tiêu dùng có thể kiểm tra ngay sau khi mua thịt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đang áp dụng nhiều giải pháp để kiểm soát chặt hơn đầu vào sản phẩm thịt heo.
Với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh, sản phẩm thịt heo giờ đây khi lưu thông trên thị trường được gắn tên, gắn nhãn tất cả chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh, gồm: trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, thương nhân bán sỉ tại chợ đầu mối, nhà bán lẻ, các cơ quan chức năng, kiểm tra kiểm soát... với thời gian cụ thể được cập nhật đầy đủ. Tất cả những thông tin này đều được công khai cho người tiêu dùng rõ ràng nên sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia và hạn chế hành vi không lành mạnh.
Trước thắc mắc của một số độc giả về khó tra cứu tem trên bao bì, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Coop, cho biết hiện HTX đã tích cực triển khai đề án quản lý và nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo tại gần 150 điểm bán trên địa bàn TPHCM (gồm các siêu thị Coopmart, cửa hàng CoopFood và đại siêu thị CoopXtra). Do chương trình mới bắt đầu từ ngày 16-12 nên không tránh khỏi những khó khăn như lỗi kỹ thuật khi quét mã, các khâu phối hợp giữa các bộ phận tham gia vào quá trình truy xuất. Tuy nhiên các khó khăn này đã được khắc phục nhanh chóng với sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan.
Cùng quan điểm, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết hiện nay tại nhà máy giết mổ gia súc Vissan chỉ có giết mổ công nghiệp cho các nguồn hàng kinh doanh của Vissan. Tập quán tiêu dùng của người Việt Nam ưa chuộng sử dụng thịt nóng ngay sau khi giết mổ. Do vậy, hệ thống quản lý của Vissan hiện nay sau giết mổ được đưa nhanh qua phòng mát với nhiệt độ 6°C. Sau đó chuyển qua pha lóc hoặc chuyển mảnh heo ra quầy bán. Tại đây thịt được bảo quản trong tủ mát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Việc truy xuất nguồn gốc tại Vissan đã có nền tảng từ trước, vì vậy khi ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc theo Tefood được nhiều thuận lợi và đạt kết quả khả quan. Từ trước, người tiêu dùng đã an tâm tin tưởng về chất lượng hàng hóa tại các điểm bán Saigon Coop do quy trình kiểm tra chất lượng đầu vào chặt chẽ và uy tín của toàn hệ thống. Khi triển khai đề án trên, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và càng thêm tin tưởng vào chất lượng. “Do mới triển khai nên lượng thịt heo bán ra trong những ngày qua tăng nhẹ. Tôi hy vọng trong tương lai lượng bán sẽ tiếp tục tăng. Dù áp dụng các công nghệ mới để kiểm soát ATVSTP có tăng chi phí, nhưng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Vissan cam kết thực hiện Chương trình bình ổn không tăng giá” - ông Mười chia sẻ.
Đảm bảo ATVSTP giúp người tiêu dùng an tâm hơn. |
Cao điểm vệ sinh an toàn dịp tết
Nhiều độc giả gửi ý kiến tham gia giao lưu lo lắng việc đảm bảo ATVSTP trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017. Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, cho biết nhằm đảm bảo an toàn phục vụ cho người dân, đặc biệt dịp Tết Nguyên Đán, chính quyền các cấp đã có nhiều hoạt động, như chủ động ký kết phối hợp công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP với các tỉnh, thành có nguồn nông sản cung ứng; tăng cường quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn; tăng về số lượng và chủng loại thực phẩm để tăng thị phần cung cấp thực phẩm sạch cho TP.
“Hiện TP đã phát triển trên 400 điểm cung ứng thực phẩm đạt VietGap, GlobalGap cho người dân, phát triển thêm nhiều cơ sở cung ứng thực phẩm sạch, chất lượng trong hệ thống bán hàng bình ổn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường về ATVSTP đã được tiến hành xuyên suốt, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính rất quyết liệt. Để tăng cường hoạt động đảm bảo ATVSTP cho đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành đã có kế hoạch truyền thông và hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trên đồng loạt 3 cấp: TP, quận-huyện, phường-xã” - bà Mai cho biết.
Ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ từ những ngày đầu thành lập, Saigon Coop luôn đặt chất lượng là yếu tố hàng đầu trong phương châm hoạt động. Tại Saigon Coop, mọi hàng hóa đều phải trả qua 3 khâu kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được bày bán. Trước hết là khâu kiểm tra tại nguồn (tại nơi sản xuất, đồng ruộng, trang trại...), tiếp đến kiểm tra tại trung tâm phân phối (các tổng kho) và cuối cùng các điểm bán hàng hóa được kiểm tra lần cuối trước khi được bày bán. Việc kiểm tra được thực hiện bởi Phòng Quản lý chất lượng của Saigon Coop và các chuyên viên quản lý chất lượng tại các điểm bán được đào tạo chuyên nghiệp song song đó là việc gửi mẫu đến các cơ quan kiểm định độc lập và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.
Vừa qua Thủ tướng đã có Quyết định thành lập Ban quản lý ATVSTP TP, đây là đơn vị trực thuộc UBND TP nên chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền sẽ rất khác, cao hơn, rộng hơn, toàn diện hơn so với các đơn vị tham gia quản lý nhà nước về ATVSTP hiện nay, trong đó có Chi cục ATVSTP TPHCM. Bên cạnh đó, TPHCM tổ chức 3 chợ đầu mối để kiểm soát 80% nguồn hàng thực phẩm đi vào TP tiêu thụ, lập các chốt chặn và kiểm soát chặt tại các cửa ngõ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn.
“Nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu qua biên giới vẵn còn diễn biến phức tạp dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng. Chúng tôi mong người tiêu dùng nên tránh chọn mua thực phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP, nên chọn mua tại các nơi như điểm bán hàng bình ổn, quày sạp trong chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị... nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát” - đại diện Chi cục ATVSTP TPHCM chia sẻ.