Thậm chí chính đứa con trai của thượng úy Nguyễn Xô Việt cũng lúng túng vì việc làm ngược ngạo ấy, nhưng người cha lại xem thường hết mọi người xung quanh. Hành vi côn đồ dù giải thích bằng bao nhiêu mỹ từ lấp liếm vẫn khó chấp nhận trong thời đại văn minh!
Lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên giải thích với báo chí, rằng vụ việc xảy ra ngoài giờ, khi 2 bố con thượng úy Nguyễn Xô Việt đi chơi thể thao vào ngày nghỉ chứ không phải lúc đang làm nhiệm vụ. Nghe rất khó đồng thuận. Ngoài giờ làm việc thì nhân viên công vụ được quyền làm trái lại nguyên tắc kỷ luật mà ngành nghề của họ đã quy định chặt chẽ ư? Một thượng úy ngay trên địa bàn mình công tác mà dám tác oai tác quái như vậy, thì còn gì đạo đức của chiến sĩ công an?
Vụ gây rối của thượng úy Nguyễn Xô Việt có phải giọt nước tràn ly không? Chắc chắn không phải, nước đã tràn ly lâu rồi nhưng không ai cương quyết dọn dẹp môi trường cho lành mạnh hơn. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có nhận định, được nhiều tầng lớp chia sẻ: "Với những người thiếu sự tu dưỡng, luôn luôn nghĩ mình là công an, nghĩ mình là người nắm quyền lực, mình muốn làm gì thì làm, cách xử sự của họ làm xấu đi phẩm chất cá nhân, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh của ngành. Đương nhiên, người ta sẽ nói đây là con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng một ngành có nhiều con sâu như thế thì bản thân những nhà lãnh đạo ngành cần phải suy nghĩ".
Vào tháng 8-2019, đại úy Lê Thị Hiền đã làm náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng đến nay vẫn ung dung tại Công an Quận Đống Đa, Hà Nội. Còn nhớ, khi clip liên quan đến đại úy Lê Thị Hiền tung lên mạng xã hội, dư luận không tránh khỏi sự choáng váng. Dù ở tại quầy thủ tục hay ở tại phòng an ninh, bà Lê Thị Hiền đều thể hiện thái độ hống hách và ngang tàng, luôn miệng chửi mắng người khác. Cách hành xử của bà Lê Thị Hiền thật khó tin. Ở một nơi công cộng được mặc định tiêu chuẩn văn minh như cảng hàng không, người bình thường có biểu hiện phách lối như vậy đã khó chấp nhận, huống hồ bà Lê Thị Hiền lại là một người trong lực lượng vũ trang vốn tôn trọng kỷ luật tuyệt đối.
Vì sao đại úy Lê Thị Hiền lại hành xử kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng” như vậy? Đại úy Lê Thị Hiền chống chế: "Tôi bị oan quá…”. Bà Lê Thị Hiền có bị oan thật không? Trong đoạn clip thì bà Lê Thị Hiền mắng mỏ và tấn công nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, không khác gì dân giang hồ tung hoành giữa chợ trời. Bà Lê Thị Hiền dùng ngôn từ mạt sát nhân viên quầy thủ tục: “Mặt đã xấu mà còn ngu”, “Loại mày ra ngoài gặp người khác người ta vả vào mặt mày. Loại này tôi phải chạy 5 triệu đồng facebook chửi con này”, và còn nguyền rủa “có chồng thì ế chồng, có con thì dị tật”…
Nếu không cậy mình là đại úy, bà Lê Thị Hiền có dám hành xử như vậy không? Chắc chắn không! Về mặt tâm lý, khi không phải ở trong tình trạng say xỉn bia rượu hoặc dùng chất kích thích, thì bất kỳ ai muốn tác oai tác quái chốn đông người cũng phải dựa vào một sức mạnh nào đó. Sức mạnh ấy có thể là tiền bạc, sức mạnh ấy có thể là quyền lực, sức mạnh ấy có thể là quan hệ…Trường hợp bà Lê Thị Hiền khiến nhiều người nhớ đến chuyện một cảnh sát giao thông huyện Tân Uyên, Bình Dương đã múa kiếm ở sân bay Đà Nẵng, vì cậy mình là công an và cậy cha mình là quan chức cấp tỉnh.
Đơn vị đang trực tiếp quản lý bà Lê Thị Hiền là công an quận Đống Đa, Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với nữ cán bộ này để kiểm điểm, xử lý. Theo tin mới nhất từ lãnh đạo Công an TP Hà Nội, liên quan tới vi phạm của đại úy Lê Thị Hiền, hiện Công an TP Hà Nội đang làm thủ tục kỷ luật bằng hình thức hạ 2 cấp từ đại úy xuống trung úy và cho viết đơn xin ra khỏi ngành. Trong khi đó, Tổ chức Đảng của Công an quận Đống Đa cũng đã tiến hành kỷ luật Đảng đối với đại úy Lê Thị Hiền bằng hình thức khai trừ Đảng (mức cao nhất trong kỷ luật Đảng).
Nhiều năm nay, sự xuống cấp đạo đức đã đến mức báo động ở nhiều địa phương, ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều ngành nghề. Thực trạng ấy chứng minh có không ít cá nhân đang bị khủng hoảng nền tảng văn hóa. Chưa cần yêu cầu sự lịch lãm hay sự khéo léo, mà nền tảng văn hóa tối thiểu là sự tôn trọng đồng loại cũng vắng bóng trong cách thể hiện của nhiều kẻ có quyền lực, có địa vị.
Khi một người đã không có nền tảng văn hóa thì chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn, lối sống sẽ càng chông chênh và lố bịch. Họ không những làm vẩn đục đời sống, mà họ còn tự chuốc lấy hậu quả muộn phiền cho bản thân. Để không có thêm những hình ảnh xấu xí và những hành vi tăm tối như đại úy Lê Thị Hiền ở sân bay Tân Sơn Nhất và thượng úy Nguyễn Xô Việt ở trạm dừng nghỉ, nhất định phải quan tâm củng cố nền tảng văn hóa cho mỗi cá nhân.
Công an là một ngành đặc thù, những người được tuyển dụng vào ngành phải được xây dựng nền tảng văn hóa một cách bài bản, chứ không thể chờ sai phạm mới uốn nắn. Cá nhân nào không đủ nền tảng văn hóa thì không nên giữ họ trong lực lượng vũ trang. Bởi lẽ, chúng ta cần tôn trọng quy ước cộng đồng tối thiểu: Những người được xã hội trao quyền lực để duy trì trị an, thì không được cậy vào quyền lực để xáo trộn trị an.
Nền tảng văn hóa không phải khái niệm mơ hồ. Nền tảng văn hóa với nhân viên công vụ chính là nền tảng để xây dựng hệ thống pháp luật bền vững và nhân văn. Nói cách khác, nền tảng văn hóa là một giá trị đầu tiên và cũng là một giá trị cốt lõi của mỗi người khẳng định tư cách của họ trong quá trình tồn tại cho riêng mình và cống hiến cho đất nước. Cậy mạnh, cậy giàu để gây rối trật tự công cộng là một biểu hiện đáng lên án.