Không thể phủ nhận thị trường vàng nóng trước tiên là vì giá thế giới tăng cao kéo theo giá trong nước tăng cao. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vàng nóng bởi hệ lụy từ chính việc độc quyền vàng miếng SJC.
Sau một thời gian im ắng, thị trường vàng trong mấy tuần gần đây lại liên tục “nổi sóng”. Vàng nóng từ thị trường cho đến cơ chế chính sách, nóng từ giá cả cho đến thương hiệu, nóng từ người mua cho đến người bán, từ những người dân lo xa gom tiền tích trữ phòng thân cho đến giới đầu cơ.
Không thể phủ nhận thị trường vàng nóng trước tiên là vì giá thế giới tăng cao kéo theo giá trong nước tăng cao. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vàng nóng bởi hệ lụy từ chính việc độc quyền vàng miếng SJC.
Hệ lụy đầu tiên đó là việc vàng miếng các thương hiệu khác, kể cả vàng miếng SJC nhưng không may bị cong, vênh, móp méo… trên thị trường bị phân biệt đối xử. Bắt đầu từ khi quy định độc quyền vàng miếng đang được soạn thảo, các loại vàng miếng khác đã bị rớt giá một cách thê thảm. Những người trót “ôm” vàng phi SJC nháo nhào mang đi bán để đổi sang vàng SJC.
Giá vàng SJC và phi SJC đã có thời điểm chênh tới vài ba triệu đồng. Tiếp sau đó, trong một thời gian, những người có vàng SJC nhưng không may bị cong vênh, móp méo đã bị Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) từ chối mua lại với lý do hết tiền, bị chôn vốn vì chưa được cấp phép gia công lại nên bí đầu ra.
Thế là nhiều người trót không bảo quản được vàng theo tiêu chuẩn đành chịu thiệt: hoặc bán tháo chấp nhận sự ép giá của người mua, hoặc chấp nhận ôm vàng chờ đợi dù “ngồi trên vàng mà vẫn không có tiền tiêu”.
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng viện cớ hết tiền chỉ là lý do thể hiện sự độc quyền vì đến cả tiền rách nát, Nhà nước còn chấp nhận, còn cho đổi, huống gì vàng là tài sản được thế giới định giá. Làm như vậy, thiệt thòi sẽ luôn thuộc về người tiêu dùng, còn một nhóm nhỏ đầu cơ sẽ đút túi “bẫm”.
Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước ngày 23-8 đã phải phát đi văn bản cho phép SJC được gia công lại vàng móp méo. Phản ứng ngay tức thời, thị trường đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Hệ lụy thứ hai của việc độc quyền mà ai cũng nhìn thấy và hiện hữu cả thời gian dài từ “ngày xửa ngày xưa” cho đến “ngày nảy ngày nay”, đó là giá vàng JSC luôn trong tình trạng cao hơn giá thế giới. Giá vàng SJC có thời điểm cao hơn giá thế giới tới hơn 3 triệu đồng/lượng.
Với mức chênh quá lớn như thế, giá vàng trong nước chứa sự rủi ro rất lớn: giá vàng có thể ngã nhào bất cứ lúc nào. Bằng chứng là chỉ cần một động thái của cơ quan chức năng, ngay lập tức giá vàng trong nước đã co hẹp biên độ so với giá thế giới, từ gần 3 triệu xuống còn 1,3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, điều đáng nói đó là giá vàng cao chỉ rơi vào thương hiệu SJC, còn các thương hiệu khác, giá về rất sát với giá thế giới, chỉ chênh khoảng 400 - 500 nghìn đồng/lượng.
Song, chưa dừng lại ở đó, hệ lụy từ sự độc quyền của vàng SJC còn thể hiện ở chỗ vào… một ngày đẹp trời, tự dưng thấy chán nản vì không còn đối thủ, không có ai cạnh tranh dẫn đến nhàn rỗi quá, không có việc gì làm, SJC bỗng nhiên thấy mẫu bao bì của mình “không hợp thời” nên quyết định chỉnh sửa sang mẫu mới. Vì sự “chán bản thân, muốn làm mới mình” này, mà mỗi khách hàng đã mua SJC từ trước đó được yêu cầu mang ra cửa hàng để dập lại bao bì mới, với chi phí cho mỗi lượng là 30.000 đồng.
Nhiều người lo lắng, vội mang vàng đi dập lại, vì nói… trộm vía, nếu chủ quan, hay “chậm chân” mà không đi dập lại, mai mốt cần tiền mang đi bán, không đúng mẫu mã mới, lại bị ép giá, hay bị từ chối mua vào thì thiệt đơn thiệt kép. Thế là, thôi khỏi cần mua bán làm gì cho mất vốn, chôn tiền (do hàng tồn kho), SJC chỉ việc ngồi một chỗ, chờ khách mang vàng đến, chỉ cần thay một cái áo mới cho vàng miếng, thế là ung dung “tiền tươi thóc thật” đút túi.
Nhiều chuyên gia khi nhận định về thị trường vàng, đều cho rằng, việc Nhà nước siêt chặt quản lý thị trường vàng, chọn SJC là thương hiệu vàng độc quyền quốc gia là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, để thực sự ổn định được thị trường, tránh thiệt hại cho người dân, cần phải sớm giải quyết những hệ lụy đang tồn tại nói trên