Về làng Hồ nghe chuyện tranh chuột

(ĐTTCO) - Men theo dòng sông Đuống hiền hòa, chúng tôi tìm về làng Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ở đây chúng tôi được nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế kể chuyện thú vị về hình tượng chuột cùng những nét đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ. 
1. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết mình thuộc đời thứ 20 trong dòng tộc Nguyễn ở làng Hồ làm nghề tranh dân gian. Ông kể trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở làng Hồ người người làm tranh, nhà nhà làm tranh, ở khu Đình làng có hẳn một khu chợ mua-bán tranh. Người dân rất chuộng những bức tranh dân gian Đông Hồ nên kiểu gì cũng phải có một bức dán lên vách nhà dịp Tết Nguyên đán. 
Người làng Hồ khi đó đã sống được bằng nghề làm tranh, không phải nông nghiệp như nhiều vùng quê Bắc bộ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra năm 1946, vùng làng Hồ bị giặc chiếm đóng. Người dân phải đi tản cư khắp nơi. Làng quê chịu cảnh tan hoang, đau thương ly biệt. Khi ấy nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế mới hơn 10 tuổi. Quân Pháp khi về làng đã đập phá, chẻ bản khắc dùng để in tranh thành củi đun, chỉ vài nhà nhanh tay cất giấu được mới còn.
Về làng Hồ nghe chuyện tranh chuột ảnh 1 Bức tranh “Chuột vinh quy”.
Năm 1954 kháng chiến kết thúc, người dân hồi hương, nhưng chẳng còn ai mặn mà với làm nghề tranh. Thời điểm ấy, ông Chế vào học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam), ở phố Yết Kiêu, Hà Nội, rồi chuyển sang Nhà xuất bản Mỹ thuật, phụ trách mảng mỹ thuật dân gian. Đầu thập niên 90, sau khi nghỉ hưu về sống ở quê, ông Nguyễn Đăng Chế mới bắt đầu phục chế, gây dựng lại dòng tranh dân gian Đông Hồ. Hơn 30 năm dành trọn tâm huyết, thời gian và sức lực cho tranh dân gian, hiện nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế được xem là người phục chế, quảng bá tranh Đông Hồ thành công nhất ở mảnh đất này. 

2. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ông và các nghệ nhân làng Hồ đã phục chế được nguyên bản 3 tác phẩm tranh cổ về con chuột, đó là: “Đám cưới chuột”, “Chuột vinh quy”, và “Chuột rước rồng”. Qua nguyên cứu, tìm hiểu nhiều năm về dòng tranh Đông Hồ, ông Chế nhận thấy tranh về chuột đã có từ cách đây 5 thế kỷ, với nghệ thuật sáng tác vừa huyền diệu, vừa chân thực, vừa sâu sắc. Vì thế, việc phục chế lại nguyên bản các bức tranh Đông Hồ nói chung, về chuột nói riêng vô cùng khó, đỏi hỏi sự kỳ công tỉ mỉ ở người nghệ nhân. 
Trong các bức tranh chuột, người xưa sử dụng nhiều màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng, trắng, đen được lấy hoàn toàn từ chất liệu tự nhiên để thể hiện sự sinh động, vui tươi, qua những chi tiết sắc nét. Sau nhiều năm tìm tòi, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có được những chất liệu y như xưa, đó là giấy làm từ cây Dó ở vùng Đống Cao, Phong Khê, TP Bắc Ninh, màu trắng lấy từ con điệp dưới biển, màu đỏ từ hòn sỏi ở trên núi, màu vàng từ cây hoa hòe, màu xanh bằng lá tràm và màu đen từ than sau khi đốt lá tre.
Về làng Hồ nghe chuyện tranh chuột ảnh 2 Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế miệt mài chế tác tranh Đông Hồ trên giấy dó.
Một điều thú vị trong 2 bức tranh “Đám cưới chuột” và “Chuột vinh quy” thoạt nhìn rất giống nhau. Nghệ nhân Chế chỉ ra cho chúng tôi các chi tiết khác biệt nhỏ để nhận diện 2 bức tranh. Cả 2 bức  đều có lũ chuột xếp thành 2 hàng trên-dưới cùng 1 chú mèo ngồi chặn đường, nhưng ở bức “Đám cưới chuột” số lượng chuột là 12 con trong khuôn hình, còn bức “Chuột vinh quy” là 11 con. Trong “Đám cưới chuột” có thêm chiếc lọng do 1 con chuột cầm rước đi sau ngựa, còn “Chuột vinh quy” có con chuột cầm lá cờ đi trước ngựa, chuột cầm lọng đi vị trí cuối cùng hàng dưới… Hàng chuột trên, trong khi bức “Đám cưới chuột” chỉ thổi kèn, còn bức “Chuột vinh quy” có cả thổi kèn lẫn đánh trống, cộng với mấy chữ thơ Hán Nôm đề trên 2 bức tranh cũng khác nhau để người xem nhận biết.
Đặc biệt, trong 2 bức tranh chuột này, người xưa muốn lấy hình tượng 2 con vật không đội trời chung để thể hiện những dụng ý sâu sắc. Theo nghệ nhân Chế, nó thể hiện tính cộng sinh, cùng tồn tại và phát triển của 2 loài vật mang đặc tính đối lập nhau. Có chuột phải có mèo và ngược lại, nội dung tranh như thể hiện bản cam kết ngầm giữa 2 loài vật trái ngược nhau, nhưng chấp nhận cùng nhau tồn tại. Người làm tranh xưa đã tinh tế mượn hình ảnh lũ chuột để thể hiện 2 sự kiện trọng đại, hân hoan nhất mà người đàn ông xưa có trong đời. Đó là, đấng nam nhi sau khi học hành đỗ đạt ra làm quan quay về làng “vinh quy bái tổ” và cưới được vợ sau khi đã  “tậu trâu, làm nhà”. Bênh cạnh đó, những chiếc cờ, ô, lọng, kèn… cùng đoàn rước đông vui, hân hoan còn thể hiện 2 sự kiện trọng đại trong đời người đàn ông xưa còn là việc chung của làng, xóm, không phải của riêng cá nhân hay gia đình nào.
Nhưng trên cả, đằng sau những ý nghĩa mang tính cộng đồng, vui vẻ ấy là tầng nghĩa châm biếm thói hư, tật xấu của con người trong xã hội phong kiến. Người xưa đã vô cùng thâm thúy khi đưa hình tượng con mèo vào tranh để đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột. Còn đám chuột là hình ảnh ẩn dụ cho người dân lam lũ, thấp cổ bé họng. Con mèo ngồi chặn đường đoàn rước với nét mặt ghê ghớm, khó chịu, nhưng vẫn đưa tay ra nhận hối lộ chim, cá từ lũ chuột. Lũ chuột vừa đi rước, vừa khúm núm khi gặp mèo, đoàn chuột luôn phải dò xét tình thế để ứng xử cho phù hợp. Suy ra, những người yếu thế, thấp hèn trong xã hội cũng vậy, luôn chịu thiệt thòi, bất công, phải cống nạp, đút lót cho bề trên để được tồn tại. 

3. Hiện nay dòng tranh Đông Hồ ngoài việc giữ nguyên chất liệu, màu sắc tự nhiên, đã được sáng tạo thêm nhiều nét mới. Tranh  lồng vào khung tre, gỗ để có thể chơi trong vài chục năm, càng để lâu tranh càng đẹp. Tranh cũng được thu nhỏ lại để làm bưu thiếp quà tặng hay thiệp mời đám cưới. Nghề làng tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ VH-TT và DL phối hợp với tỉnh Bắc Ninh thu thập tài liệu, lập hồ sơ để thời gian tới trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.   

Các tin khác