Về quê xưa nhận họ hàng

(ĐTTCO) - Tôi nhớ mãi lần theo người họ Trịnh làng Đa Sỹ, Hà Đông về Thanh Hóa nhận gốc gác. Chuyện dâu bể mấy trăm năm của một hai cộng đồng người trong thế cuộc chung nhiều biến động, bỗng một ngày được đắp nối vẹn tròn. Tìm sự hoàn hảo quả không tưởng, nhưng sự việc, câu chuyện về những hội ngộ, của hai hay nhiều người, luôn mang dáng nét đủ đầy trong bối cảnh của nó. Nữa là đây, hành trình kiếm tìm gốc gác của những người đầu họ Trịnh ở Đa Sỹ đã qua những dò hỏi, những đoán định, những phấp phỏng mong chờ và háo hức hy vọng, cả những băn khoăn. Và đó còn là chặng đường sau của bao tháng năm nhọc nhằn khác nữa, khi đời sống chật vật khó lòng cho phép con người ta nghĩ nhiều về sự phục hồi những tập quán truyền thống.

(ĐTTCO) - Tôi nhớ mãi lần theo người họ Trịnh làng Đa Sỹ, Hà Đông về Thanh Hóa nhận gốc gác. Chuyện dâu bể mấy trăm năm của một hai cộng đồng người trong thế cuộc chung nhiều biến động, bỗng một ngày được đắp nối vẹn tròn. Tìm sự hoàn hảo quả không tưởng, nhưng sự việc, câu chuyện về những hội ngộ, của hai hay nhiều người, luôn mang dáng nét đủ đầy trong bối cảnh của nó. Nữa là đây, hành trình kiếm tìm gốc gác của những người đầu họ Trịnh ở Đa Sỹ đã qua những dò hỏi, những đoán định, những phấp phỏng mong chờ và háo hức hy vọng, cả những băn khoăn. Và đó còn là chặng đường sau của bao tháng năm nhọc nhằn khác nữa, khi đời sống chật vật khó lòng cho phép con người ta nghĩ nhiều về sự phục hồi những tập quán truyền thống.

Hôm ấy, một sớm đầu xuân lạnh trời, mưa ẩm làm khoảng đường mới sau lưng làng quê thêm tối đen, hàng trăm người đã tề tựu đông đủ. Người đếm, người gọi, người soát lại đồ lễ, người căng tấm băng rôn trên thân hai chiếc xe du lịch, người buộc cây cờ ngũ sắc nhỏ vào trước cửa kính xe… Cả trăm người, hồ hởi, xì xào, nhưng không huyên náo. Hôm nay đi gặp những người họ hàng xa ở nơi phát tích dòng họ mình. Không phải là một sự kiện vẻ vang hàng huyện, hàng tổng hay cứ phải là một thành quả xã hội như người ta hay liên hệ xưa nay cho những danh tiếng, những kiêu hãnh. Nhưng việc nhận họ nhận hàng trên hành trình tìm về gốc cội của một cộng đồng nhỏ dù chân lấm tay bùn, của một cành nhánh dòng giống nào đó dù thuần buôn thúng bán bưng hay sống cuộc đời bình thường, giản dị, cũng có những tự hào riêng đáng trọng lắm chứ.

Những con người khởi hành buổi sớm ẩm ướt ấy, là lớp cháu tính ra đã hơn mười đời từ con người có tên húy là Vực, hiệu là Khắc Khoan. Năm thế kỷ trước, cụ Khắc Khoan giã quan, rời quê Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên, Thanh Hóa, lên đường viễn du. Có thể con người từng đứng trước cánh cửa hoạn lộ rộng mở ấy không thấy những sự vụ quan trường phù hợp với mình chăng, để quyết chọn lối sống của một nhân sĩ giữa đời thường? Thế rồi, theo cuộc đẩy đưa trên đường xa gió bụi, cụ dừng lại ở Đa Sỹ, đất học có tiếng gần kinh thành Thăng Long. Duyên phận run rủi cho làm rể đất lạ, cụ Khắc Khoan ở lại đây như quê hương thứ hai cho cuộc đời, như ngôi nhà nương náu giữa đất trời xa xứ. Nhưng sự yên ấm đề huề chốn an lành không thể khiến cụ quên được bản quán. Xa xôi cách trở, năm tháng mau trôi qua bàn tay, cụ Khắc Khoan nằm xuống ở Đa Sỹ, nhưng niềm cố hương canh cánh đã truyền sang người vợ tảo tần. Để rồi một ngày nọ, rời nơi chôn nhau cắt rốn, bà đưa ba người con lớn về quê chồng giữ trọn đạo và sống trọn cả đời. Còn ba người con nữa, vâng lời mẹ dặn, ở lại quê Đa Sỹ giữ mộ phần tổ tiên, cành nhánh cứ thế truyền nối đến hôm nay, nhiều đời làm thuốc, làm thầy dạy học trong một làng học Đa Sỹ, sống thanh bạch và thanh cao.

Và cuộc hội ngộ mà tôi được dự hưởng trong một dịp đầu xuân ấy, chính là ngày gặp gỡ giữa con cháu những người em ở lại Đa Sỹ với con cháu những người anh đã theo mẹ về quê cha thuở nào. Chuyện thực, cũng như mơ, khi người họ Trịnh ở chốn xưa, nay đã đổi địa danh thành thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, đón đoàn người từ Đa Sỹ Hà Nội về dâng lễ, lần lượt thắp hương trong nhà thờ tổ họ mình, thỉnh lên những tiếng chuông rền vang. Giữa vùng thôn quê được vây bọc bởi dãy núi đá dựng lên từng khối gai góc, chạy vòng cung như dáng một con rồng, trên mặt sân rộng nơi vẫn là chốn quy tụ của những người họ Trịnh Thọ Vực, hai cộng đồng con cháu của những người anh em ruột thịt xưa kia cùng sửa soạn mâm bát, ăn bữa cỗ đầu xuân, cùng chia sẻ những câu chuyện về bản quán, về đất đai, mùa vụ, rồi cùng lên chùa quê lễ Phật. Cuộc gặp gỡ, thăm nom từ đó mà thỉnh thoảng vẫn được duy trì, ở quy mô nhỏ hơn, giữa những người đầu họ ở hai miền đất. Có lần họ Trịnh ở Đa Sỹ còn mời đông đảo người họ Trịnh từ Thọ Vực ra Hà Nội đi thăm lăng Bác.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Nghĩ một việc, và nhìn rộng ra, trong làn sóng khôi phục các dòng họ những năm qua. Trên bao nhiêu con đường làng mạc, biết bao chi tộc đã gặp gỡ, đã kết nối, để cùng nhớ linh xưa mà nâng niu hơn thực tại hôm nay. Tất nhiên, có nhiều góc nhìn để nhận xét về những cuộc trùng phùng họ tộc đã cách trở qua bao thế hệ ấy, đến mức người ta hoàn toàn đã coi như… người dưng. Hơn nữa, những đánh giá thế này thế khác cũng căn cứ từ hiện tình, từ diễn biến tiếp theo của những cuộc kết nối về nguồn ấy như thế nào, dẫn đến đâu, nảy nở điều gì tốt hay chưa thật tốt, thân quý ngọt ngào hay cồng kềnh nhiêu khê... Nhưng rõ ràng có một điều đáng trọng: vẻ đẹp thiêng liêng được làm sáng lên trong mối quan hệ, cư xử của người người. Ấy là càng sinh sôi, đi xa nguồn cội, một lúc nào đó người ta nhớ về, cảm thấy rõ ràng mình không tự nhiên mà có, và nảy sinh ước ao trở về, tìm lại, để cùng yêu mến hơn những con người bản quán, cả những con người, đoàn người khác cũng có hành trình về quê chung. Khác, thì cũng đã nhiều rồi, từ vùng miền, tập quán, lề thói, lại qua những trăm năm biến thiên thời cuộc, những nhào trộn trong vòng quay thị trường. Nhưng một số điều giống nhau, chung nhau vẫn còn nhận thấy để kéo gần lại những con người tưởng chừng xa lạ. Tinh thần của cội rễ, của tổ tiên còn tỏa bóng, cho những lứa hậu sinh sự quen biết, thân thiết và từng bước gắn bó hơn trong niềm cảm kích ngưỡng vọng về người xưa. Đồng thời người ta cũng thấy hôm nay đẹp đẽ hơn, tình nghĩa hơn khi giữa đời thường bận bịu trong trăm thứ lo toan, bỗng nhận ra những người anh em “mới”.

Mới đấy, mà cũng là xưa cũ, là cố cựu, là họ mạc, là gia đình lớn trong những âm hưởng thiêng liêng của thời gian chưa hề dứt. Thời gian quay vòng mùa màng, sinh sôi những năm tháng, cho chúng ta hoài vọng về những bước đi không ngừng của chục năm, trăm năm, của dấu ấn những đời người. Để từ đây, những người trong một họ tộc thời hiện đại, cảm thấy rõ hơn nhu cầu không thể sống một mình mình, cũng như mỗi cộng đồng còn cần có thêm những cộng đồng khác nữa. Biết nhau, có nhau, để nuôi dưỡng tâm hồn mình, tâm hồn người, để thêm hòa đồng, trân trọng, để cuộc sống của mình thêm nội dung, thêm những trải nghiệm quý với những người cùng họ ở miền đất khác, cũng là một nơi chốn gốc gác. Và như thế, mỗi cộng đồng lớn thêm, tấm lòng mỗi con người trong cộng đồng ấy giàu có hơn.

Các tin khác