Về thăm nơi Chủ tịch xã là liệt sĩ

(ĐTTCO) - Về xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), quê hương liệt sĩ Phan Thanh Miên hy sinh khi giúp dân trong đại hồng thủy 2020, mới thấy cán bộ gần dân, sâu sát dân chúng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi thiên tai, cán bộ xã lúc nào cũng bên dân. Trong xu thế làm giàu thoát nghèo hôm nay, cán bộ xã lại càng gắng sức vì dân, bởi dân có giàu nước mới mạnh.
Một phần xã Bắc Trạch nhà lầu như phố thị.
Một phần xã Bắc Trạch nhà lầu như phố thị.
Gắng sức lo cho dân
Dẫn chúng tôi đến nhà của liệt sĩ Phan Thanh Miên, nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Vui (53 tuổi) vừa đi vừa kể: “Hôm lũ lớn, anh Miên bị thương nhưng vẫn lo cho dân. Sốt cao cũng lo cho dân. Nhà làm mấy sào ruộng, vợ làm chằm nón, thu nhập không bao nhiêu, anh ra đi trong khó khăn. Bây giờ Nhà nước công nhận liệt sĩ, mỗi tháng vợ con hưởng tử tuất hơn 3 triệu đồng”.
Viếng nén hương với liệt sĩ Chủ tịch UBND xã, chúng tôi men theo con đường bê tông sạch bóng ra đồng, người dân Bắc Trạch hễ gặp cán bộ xã là tay bắt mặt mừng. Dường như thấy nét mặt chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Vui giải thích: “Từ các thế hệ cán bộ trước để lại di sản lo cho dân trên hết, nên đi đâu bà con gặp cán bộ cũng chào hỏi nhiệt tình. Lo đến mức quên mình như anh Miên khiến bà con cảm động”.
Về thăm nơi Chủ tịch xã là liệt sĩ ảnh 1  Đình làng Bắc Trạch được con dân làm ăn công đức lớn nhất nhì Bắc miền Trung.
Nông dân Nguyễn Bắc (36 tuổi) góp chuyện: “Ở đây dân chúng tôi sướng hơn cán bộ. Dân giàu hơn, cán bộ làm việc ngày đêm chắt từng đồng vốn, từng suất đầu tư vì phát triển chung. Lo bạc tóc. Bây giờ chúng tôi sử dụng nước máy sạch như thành phố Đồng Hới, mỗi khối 7.000 đồng. Xã còn lập được hợp tác xã thu dọn rác thải do người dân đóng góp phí để trả lương theo vận động của UBND xã, nên địa bàn 10 thôn không vứt rác ra đường, đi đâu cũng sạch, việc đó đều từ cấp xã gần dân mà ra”.

Khá giả bền vững
Tuổi thơ của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Vui là một sự ám ảnh. Các thế hệ cha chú hồi đó phải đi vùng khác mót từng củ sắn, củ khoai đưa về cho con cái chống đói. Theo ông Vui, đất Bắc Trạch là bán sơn địa, có núi, có ruộng, có phần đất nuôi trồng thủy sản nhưng nằm bên vùng trũng sông Gianh, nên năm nào cũng bị lũ vùi sớm và sâu. Một thời người Bắc Trạch ly hương đứng đầu huyện Bố Trạch với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó ấy. 10 năm trước đi qua đây, xóm làng ủ dột, nhà cửa thấp bóng, nhưng nay nhìn về Bắc Trạch, ai cũng công nhận như lạc vào con phố nào đó. Nhà kiên cố 2 tầng mọc san sát, nhiều ngôi 1 tầng theo thiết kế nhà vườn tiền tỷ đang là xu thế của bà con nơi này. Ông Vui khoe: “Người dân bây giờ khác trước, bung ra làm ăn dịch vụ xây dựng, nhôm kính, cung cấp vật liệu đủ loại cho huyện Bố Trạch nên nhiều hộ giàu lắm”.
Quỹ tín dụng nhân dân cấp xã như chiếc phong vũ biểu của túi tiền bà con Bắc Trạch. Cuốn sổ cái được đại diện quỹ đưa ra khá chi tiết: “Có 1.590 thành viên, dư nợ cho vay đạt 105 tỷ đồng, tiền gửi nhàn rỗi của bà con trong xã đạt 130 tỷ đồng”. Ông Vui nói thêm: “Cuộc sống làm ăn bây giờ nhộn nhịp kết nối cả 3 miền trong nước. Xuất khẩu lao động hơn 1.000 người, lương của con em xuất khẩu lao động ở Australia, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc mỗi người 1 tháng hơn 30 triệu đồng. Mỗi năm người xuất khẩu gửi về ít nhất 36 tỷ đồng để người thân phát triển sản xuất, thành lập công ty, làm dịch vụ vận tải Nam-Bắc…”.
Bắc Trạch có 1.786 hộ với 7.200 khẩu nay chỉ còn 16 hộ nghèo. “16 hộ nghèo này là bất khả kháng, như gia đình có người bị ung thư, neo đơn nhưng nhà cửa của họ đều kiên cố. Hộ xây nhà 2 tầng đẹp, có từ 2 tivi trở lên hoặc có điều hòa nhiệt độ không thống kê hết được. Con em các gia đình đi làm ăn xa về, hoặc ở lại phát triển sản xuất tốt, dựng lên mái nhà đẹp giữa vùng đất phèn sông Gianh, là đóng góp cho hình ảnh phát triển của quê hương. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã có 130 hộ dân làm nhà kiên cố, trong đó hơn 45% nhà 2 tầng” - ông Vui nó và cho biết thêm Bắc Trạch đã chuyển đổi sang ngành nghề dịch vụ, tổng hợp đạt 50%, tiểu thủ công nghiệp lên 31%. Trong tương lai con số này sẽ tăng lên lên 53% và 34%. Đây là kế sách bền vững cho xã nhà trên vùng đất chua phèn này”.
Dân xây đình làng gần 10 tỷ đồng
Sự phát triển của Bắc Trạch còn minh chứng rõ ràng rằng thiết chế văn hóa đình làng được phục dựng với cách con em xa quê, người dân địa bàn đã công đức gần 10 tỷ đồng. Nhìn vào thiết chế văn hóa to lớn này mới thấy lòng dân đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương giàu đẹp hơn để hậu thế có không gian sống bền vững. Đình Bắc Trạch như biểu tượng đoàn kết của người dân địa phương trong thời kỳ làm ăn tấn tới. Nông dân Nguyễn Bắc nói: “Ngày xưa cha ông khó khăn cũng dựng được đình làng bằng gỗ. Chiến tranh, cả xã dỡ mấy trăm căn nhà và đình làng ra phà Gianh lát đường cho xe vào Nam. Nay làm ăn có chút đỉnh, bà con lại càng đoàn kết cho mái đình tươm tất, con cháu đi xa, dù ở nước ngoài hay trong nước đều tự hào tình đoàn kết này”.
Cả liệt sĩ Miên và ông Vui là thế hệ cán bộ xã đi lên từ thôn nên lối sống là tình làng nghĩa xóm. Trong thiên tai, lực lượng cán bộ xã được quán triệt việc nhà dân ưu tiên nơi sâu nhất. Ông Vui lý giải: “Cán bộ lo cho dân vậy, nên khi có việc làng nước, thôn kêu gọi bà con đồng tình ngay. Con cháu của 10 thôn làm ăn ở bất cứ nơi nào khi nghe vận động đều hưởng ứng. Mới nhất là góp quỹ phòng chống Covid-19 ai cũng hướng đến, quỹ bóng đá ở quê cũng đóng góp hơn 300 triệu đồng”.
Bắc Trạch được hun đúc dòng máu nhiệt huyết. Trong chiến tranh vệ quốc, địa phương này là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, có 23 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm liệt sĩ nên truyền thống được tiếp nối. “Chúng tôi đánh tiếng hồi xưa khó khăn, chiến đấu thành anh hùng, nay vượt khó thoát nghèo bền vững trong thời kỳ đổi mới, sao không mạnh dạn đề xuất trên phong anh hùng lao động?. Còn lo cho dân nhiều việc nữa để phát triển, tự tin sớm quá thành ra chủ quan” - ông Vui khiêm nhường. 

Các tin khác