Phó Tổng giám đốc Bến xe miền Đông, Tạ Chương Chín cho biết, lượng hành khách bắt đầu tăng vào các ngày 24, 25, 26, 27, 28 và 29 tháng Chạp (tức từ ngày 5-2 đến ngày 10-2-2021), khách qua bến có thể đạt 45.000 - 50.000 hành khách đi lại.
Dự đoán ngày cao điểm từ 25 đến 27 tháng Chạp, lượng hành khách đi lại khoảng 52.000 người; vào ngày 28 tháng Chạp khoảng 54.000 khách. Giá vé dự kiến cũng tăng 40%-60% so với ngày thường, tùy chặng và thời điểm.
Cụ thể, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng Chạp, các tuyến từ Quảng Ngãi trở ra đến tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tuyến thuộc các tỉnh Phú Yên và Bình Định; các tỉnh Tây nguyên sẽ điều chỉnh giá cước tăng không quá 40%; từ ngày 20 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết tăng không quá 60%.
Từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Chạp, các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh Tây nguyên giá cước tăng không quá 40%, từ ngày 24 đến mùng 4 Tết tăng không quá 60%.
Từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 Tết giá vé tăng không quá 60% đối với các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận; từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 6 Tết giá vé tăng không quá 40% đối với các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai.
Theo đại diện Bến xe miền Đông, hiện tại bến xe đã làm việc với các đơn vị vận tải đăng ký để thống nhất kế hoạch, khi có sự việc đột biến sẽ huy động xe kịp thời để tăng cường giải tỏa hành khách. Ngoài đảm bảo yêu cầu đi lại của hành khách, nhà xe và khách được yêu cầu đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, bố trí một số xe xuất bến trong đêm giao thừa để phục vụ những hành khách cuối cùng của năm.
Tương tự tại Bến xe Miền Tây, ngày 20 tháng Chạp sẽ mở bán vé Tết, lượng khách dự báo giảm 10%-15% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vé dự kiến tăng 40% trong 5 ngày cao điểm (từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 2 Tết, tức từ ngày 8-2 đến ngày 13-2-2021).