Không "mảnh giấy" trong tay, tỷ phú Trần Bá Dương ngừng rót tiền, HNG lao dốc
Mới đây, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) đã thông báo về việc dừng thực hiện phát hành 741,4 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 18.490 tỷ đồng để hoán đổi nợ và chào bán riêng lẻ.
Nguyên nhân được HĐQT lý giải là do nhà đầu tư duy nhất là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) của tỷ phú Trần Bá Dương dừng đầu tư.
Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận và các nhà đầu tư nhỏ lẻ của HNG, đặc biệt trong bối cảnh cổ phiếu HNG liên tục đi xuống, thậm chí về dưới 10.000 đồng/CP.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23-/7, HNG dừng ở mức 8.250 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm 2021, cổ phiếu HAGL Agrico đã giảm 52%, tương đương với vốn hóa thị trường HNG đã bốc hơi gần 10.000 tỷ đồng.
Phải nhìn nhận rằng, hoạt động của HNG trước và sau thông báo này không có gì khác biệt. Thaco vẫn là cổ đông lớn nhất tại HAGL Agrico khi nắm giữ 27,63% vốn công ty, tỷ phú Trần Bá Dương vẫn là Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) của Bầu Đức là cổ đông lớn thứ hai với 16,07%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể xáo trộn khi HAG dự kiến bán 51,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương giảm tỷ lệ sở xuống còn 11,43%. Ngoài ra, riêng cá nhân ông Trần Bá Dương cũng đang sở hữu 4,58% vốn HAGL Agrico.
Hay nói cách khác, hiện thời chỉ là không có lần phát hành thêm 741,4 triệu cổ phiếu HNG cho Thagrico, thay vào đó tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tiếp theo, HĐQT sẽ trình danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được chào bán cổ phiếu riêng lẻ thay thế cho Thagrico hoặc trình phương án dừng thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, tuỳ điện kiện thực tế.
Quyết định này thực tế sẽ đẩy HAGL Agrico vào thế khó, bởi không ngoa khi nói nguồn tiền từ Thaco cũng chính là "nguồn sống" của doanh nghiệp này trong 3 năm qua.
Thực tế, trong 3 năm, tỷ phú Trần Bá Dương đã liên tục rót tiền cho bầu Đức và doanh nghiệp này như một cái "thùng không đáy" vậy.
40.000 tỷ đồng tỷ phú Trần Bá Dương đã rót cho bầu Đức như "muối bỏ biển", doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu tiền mua vật tư chăm sóc và đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quan trọng... Thậm chí, đến cả động thái bán loạt công ty con của bầu Đức cho tỷ phú Trần Bá Dương nhằm giúp HAGL Agrico thoát lỗ năm 2020, tránh bị huỷ niêm yết.
Nhưng rồi cái gì cũng có "ngưỡng" và vết nứt trong mối duyên của Bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương xuất hiện khi HAGL và HAGL Agrico không thoả thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ để lấy giấy tờ đất giao cho Thaco.
Duyên "nợ" với BIDV
Việc nhận chuyển nhượng 7 công ty nhưng do giấy tờ đất các đơn vị này đang thế chấp cho các khoản nợ của HAGL tại BIDV, khiến Thagrico không thể huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các dự án, dù cho Thagrico đã xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích của các công ty nhận chuyển nhượng chính là lý do khiến Trường Hải tạm ngưng mua thêm cổ phiếu của HNG.
Báo cáo tài chính công ty mẹ đã kiểm toán năm 2020 của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, doanh nghiệp đang có khoản vay trái phiếu thường trị giá 5.830 tại BIDV với tài sản thế chấp là giấy tờ đất của các công ty con đã bán cho Thagrico nêu trên.
Tuy nhiên, những lần bán cổ phần HNG gần đây chỉ thấy HAGL thông báo trả nợ cho HDBank, chứ không phải là BIDV.
Trong khi đó, đối với HNG, tại thời điểm cuối năm 2018, BIDV là chủ nợ nhất tại HAGL Agrico về vay dài hạn, với số tiền lên đến 1.888 tỷ đồng. Khoản vay này dùng tài trợ dự án cao su, dầu cọ và bổ sung vốn lưu động cho HAGL Agrico.
Bước sang năm 2019, khoản nợ này giảm nhẹ xuống còn 1.877 tỷ đồng. Đến năm 2020, nhờ dòng tiền của Thaco, HAGL Agrico đã rất nỗ lực thanh toán nợ nần. Tại thời điểm cuối năm 2020, khoản nợ tại BIDV giảm sâu xuống 723 tỷ đồng. Và tới ngày 31/3, con số này là 722 tỷ đồng.
Kể từ thời điểm bắt tay vào "giải cứu" HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương đã giúp HNG trả được 1.155 tỷ đồng số nợ tại BIDV, tương đương 61.5%.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I-2021, doanh thu thuần của HAGL Agrico đạt 259,8 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 136% so với con số 2,8 tỷ đồng ở quý I-2020.
Trước đó, năm 2020 HAGL Agrico đạt mức doanh thu thuần 2.375 tỷ đồng, tăng 31,14% so với năm 2019, doanh nghiệp cũng báo lãi sau thuế 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 2.444 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, tình hình sản xuất kinh doanh HNG khởi sắc hơn sau khi về tay Thagrico. Năm 2021, HAGL Agrico đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.456 tỷ đồng, lỗ dự kiến 84 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành kế hoạch này vì tổng diện tích đất HAGL Agrico còn lại 35.749 ha và tại Lào có 27.376 ha.
Ngoài ra, do thiếu vốn dẫn đến thiếu vật tư nông nghiệp, thiếu công nhân do nợ lương cùng với đó vườn cây trong tình trạng thiếu nước tưới do hệ thống hạ tầng điện nước không đáp ứng kỹ thuật nên bị suy giảm sản lượng thu hoạch và phẩm cấp chất lượng.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra nghiêm trọng tại Lào và Campuchia đã gây khó khăn rất lớn trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp cho các nông trường và trái cây xuất khẩu.
Rõ ràng, việc tỷ phú Trần Bá Dương dừng đầu tư sẽ khiến HAGL Agrico sẽ khó khăn vô cùng. Có thể, tỷ phú Trần Bá Dương cũng sẽ không bỏ mặc tiền của mình, nhưng mối lương duyên "môn đăng hậu đối" này cũng đã bắt đầu xuất hiện vết rạn.
Bắt đầu mối lương duyên này, tỷ phú Trần Bá Dương đã hào phóng chuyển hơn 2.000 tỷ đồng để cứu HNG "mà không cần một mảnh giấy", vì nếu chờ làm xong các thủ tục phát hành trái phiếu thì HNG đã nguy cấp.
Mối lương duyên 3 năm "chưa từng có một lời nói nặng nhẹ với nhau" và "cố gắng giữ gìn những gì có giá trị nhất", "cùng nhau xây dựng một công ty nông nghiệp sản xuất quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ tầm cỡ khu vực"...
Nhưng sẽ còn quá sớm để bàn về cuộc chia tay giữa tỷ phú Trần Bá Dương và Bầu Đức tại HNG.