Ngày 3-8, gia đình, người thân và bạn bè của 3 liệt sĩ: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, nuốt nước mắt vào trong để chuẩn bị lễ viếng và truy điệu (dự kiến tổ chức ngày 5-8 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng).
Ngày 3-8, người dân tiếp tục mang hoa đặt dưới chân tượng đài Công an vì nhân dân phục vụ để bày tỏ sự tri ân với 3 cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: GIA KHÁNH
Nghiêng mình trước hành động dũng cảm
Trong ngày 3-8, làng xóm, láng giềng tiếp tục tới chia sẻ, động viên người thân các chiến sĩ về những mất mát, đau thương mà 3 ngày qua họ phải gánh chịu. Trong 3 liệt sĩ, có 2 người chưa lập gia đình và còn bao nhiêu hoài bão, ước mơ dang dở chưa thực hiện trọn vẹn.
Ngày 3-8, nhiều người dân thủ đô đã tới tượng đài Công an vì nhân dân phục vụ, trên tay mang theo cành hoa thơm đặt dưới chân tượng đài, với những lời tri ân, biết ơn về sự hy sinh to lớn mà 3 chiến sĩ đã cống hiến. Em Đỗ Văn Tính (17 tuổi, ở phố Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trên tay cầm nhánh hoa cúc trắng, rưng rưng cho biết, trước sự cống hiến, hành động dũng cảm hy sinh của các chiến sĩ PCCC, bản thân em rất xúc động. Các anh, chú ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, em rất khâm phục.
Giữa trưa nắng, bà Nguyễn Thị Thanh Hương (60 tuổi, ở phố Bà Triệu, Hà Nội) đội chiếc mũ rộng vành và tay cầm bó hoa cúc trắng, trang trọng đặt dưới chân tượng đài. Bà Hương cho biết, mặc dù không quen biết, không phải là người thân, nhưng với bó hoa cúc trắng, bà mong các chiến sĩ yên lòng.
Trong khi đó, tại căn nhà nhỏ tại số 16, ngõ 30, phường Phú La, quận Hà Đông, ông Đỗ Văn Tư, bố Thượng úy Đỗ Đức Việt (24 tuổi), đón nhận tin dữ đã 3 ngày nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng. Sự ra đi của người con hiếu thảo vẫn là cái gì đó quá bất ngờ. Ông Tư kể lại, Việt thích làm lính cứu hỏa từ khi còn nhỏ, lớn lên, anh quyết thi vào trường PCCC để thực hiện ước mơ của mình. Ông Tư luôn nhắn nhủ:
“Nghề cứu hỏa không nhẹ nhàng như con nghĩ, bất kể ngày đêm khi có cháy, con đều phải lên đường”. Mặc dù bố luôn nhắn nhủ như vậy, nhưng Việt vẫn một lòng quyết tâm làm lính cứu hỏa để chữa cháy và cứu người.
Buổi chiều 1-8 có lẽ là định mệnh, trong linh cảm của người cha khi được báo có người chết khi tham gia cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy, ông Tư bỏ mọi việc, bắt xe ôm tới Bệnh viện 19-8 với hy vọng không phải con mình, hoặc con chỉ bị thương. Nhưng phép màu không xảy ra. “Tôi cứ nghĩ con trai chỉ bị thương nhẹ thôi, chữa cháy bị thương là chuyện bình thường, nhưng không ngờ…”, ông Tư nghẹn ngào. Nói về Việt, ông Tư khẳng định “nó là người con có hiếu và luôn có đam mê, tình yêu với nghề chữa cháy”.
Hy sinh để cứu người
Khu tập thể cũ 103B-C3 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội là nơi sinh sống của Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc. Những ngày này, người dân qua lại số nhà trên dường như ai cũng đi chậm lại để cúi đầu tri ân người chiến sĩ cảnh sát nhân dân đã dũng cảm lấy thân mình che chở, cứu người dân khỏi vụ cháy hôm trước. Nguyễn Đình Phúc là chiến sĩ nghĩa vụ, cũng là người trẻ nhất của đơn vị, tham gia nghĩa vụ từ tháng 2 với hoài bão rằng: xong nghĩa vụ sẽ trở về học đại học, tiếp tục giấc mơ làm phiên dịch viên tiếng Anh, hoặc tiếng Nhật.
Nghĩ về người con trai non nớt của mình, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đẫm lệ nói rằng, Phúc vừa qua sinh nhật tuổi 19, gia đình đang dự định khi con được nghỉ phép vài ngày sẽ về tổ chức sinh nhật muộn. Nhưng, dự định đó mãi mãi không thành hiện thực. Nguyễn Đình Phúc là con út trong gia đình, trên Phúc là 2 chị gái, chính vì thế gia đình luôn dành cho Phúc những tình cảm rất đặc biệt, bởi cả 3 chị em mồ côi bố. Cả nhà đều trông cậy vào Phúc sẽ gánh vác việc gia đình sau này. “Vậy mà nó ra đi đột ngột quá khi tuổi còn quá trẻ”, bà Hạnh nức nở nói. Biết được thông tin trước khi hy sinh, 3 chiến sĩ cảnh sát chữa cháy đã kịp thời đưa được 8 người ra ngoài an toàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh rất tự hào về người con trai duy nhất của mình.
Tại nhà Thượng tá Đặng Anh Quân ở số 3, ngách 61, ngõ 1002, đường Láng, Hà Nội ngày 3-8, các đồng đội, người thân xa quê của anh biết tin tìm về thắp cho liệt sĩ Quân nén nhang thơm. Trong căn nhà nhỏ hương thơm phảng phất, bà Trần Thị Thủy (mẹ Thượng tá Đặng Anh Quân) với đôi mắt đỏ hoe, nói: “Nghĩ mà thương, Quân mồ côi bố từ nhỏ, lúc đó em gái mới 2 tuổi, mình tôi cáng đáng nuôi 2 con khôn lớn. Càng lớn, Quân càng biết thương mẹ, thương em. Giờ mất đi, nó lại để 2 đứa trẻ mồ côi bố”. Hình ảnh nhớ nhất trong mấy ngày qua đối với bà Thủy là khi được gọi vào gặp con ở nhà tang lễ bệnh viện, lúc đó bà chỉ kịp xoa mặt con, bên cạnh đó là 2 đồng đội trẻ hơn. Sự ra đi và cống hiến cho sự nghiệp PCCC của Thượng tá Đặng Anh Quân khiến bà Thủy đau thương nhưng tự hào vì con đã làm việc hết mình để cứu nhân dân.
Thượng úy Nguyễn Thành Đạt (Đội Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an quận Cầu Giấy), đồng đội của 3 chiến sĩ cho biết, mỗi khi đi làm nhiệm vụ, các chiến sĩ luôn xác định là hết mình. Mỗi khi cứu được tài sản, đưa được người dân ra ngoài an toàn là niềm vui không gì tả nổi của người lính cứu hỏa. “Sự việc vừa qua là mất mát vô cùng lớn với đơn vị, anh em rất buồn, nhưng không vì thế mà lùi bước. Giờ những chuyến xe đi chữa cháy thiếu mất 3 người”, Thượng úy Đạt chia sẻ.
Chiều 3-8, Công an TP Hà Nội quyết định sẽ tổ chức trọng thể lễ tang 3 liệt sĩ hy sinh khi tham gia cứu hỏa (Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc) theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân. Lễ tang được tổ chức từ 13 giờ đến 17 giờ ngày 5-8 tại Nhà tang lễ Quốc gia. |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát chữa cháy sẽ còn sống mãi. 3 liệt sĩ mãi là tấm gương tiêu biểu, thể hiện tinh thần anh dũng, không ngại nguy hiểm, gian khó của Lực lượng Công an nhân dân. |