phimmoi.net và các “biến thể”
T. vào trang phimmoiz.net (một “biến thể” của phimmoi.net), liên tục tắt các đầu mục quảng cáo, chịu khó chờ một chút xem có cửa sổ quảng cáo nào hiện ra nữa không, nhất là các trang mua bán online. Sau tầm 2-3 phút, T. lại vô tư xem phim lậu.
T. cho biết, bản thân có thâm niên nhiều năm xem phim lậu, riết rồi quen mặt các trang, biết chắc trang nào sẽ dùng thủ thuật gì để loại bỏ các cửa sổ quảng cáo mà không bị gián đoạn xem phim. T. khá hồn nhiên cho hay, không việc gì phải ra rạp coi phim, “cứ lên mạng là có tất”.
Trong vô vàn những trang phim lậu đình đám, không ai không biết đến phimmoi.net, bởi độ… bền bỉ suốt mười mấy năm qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phimmoi.net xuất hiện và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam từ những năm 2010 dưới hình thức một website chuyên cung cấp phim điện ảnh không phải trả phí.
Hành vi vi phạm của phimmoi.net được thực hiện qua cách thức sao chép, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng để thu lợi bất chính từ hoạt động kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền với số tiền đặc biệt lớn.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam), khi tham khảo thống kê từ những trang web uy tín, ở thời điểm năm 2018, trang web phimmoi.net ước tính có khoảng 50,3 triệu khách truy cập hàng tháng. Đến năm 2020, sau hàng loạt chính sách chặn truy cập của nhà mạng, vị trí của phimmoi.net là 832 trên toàn thế giới và đứng vị trí thứ 27 trong toàn bộ website trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu.
Qua những hành vi vi phạm, theo thống kê của HypeStat, phimmoi.net kiếm được khoảng 58.290USD mỗi tháng từ doanh thu quảng cáo. Ngoài ra, nguồn doanh thu còn được bổ sung bởi các trang web lưu trữ (thông thường các trang web lưu trữ sẽ trả cho người tải lên một khoản tiền nhất định trên 10.000 lượt xem).
Cái lạ là dù bị xóa sổ vào ngày 17-6-2020, nhưng biến thể của phimmoi.net vẫn xuất hiện đều đều, khi những nhân vật đứng sau website phim lậu này không “khuất phục” mà còn cho ra đời thêm nhiều tên miền mới.
Cũng liên quan phim ảnh, ngay trong ngày công chiếu chính thức đầu tiên, bộ phim Chị chị em em 2 đã bị quay lén, cắt nhỏ thành các phân đoạn và đăng tải tràn lan trên TikTok, trong đó có những video thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Gần đây, “đỉnh cao” hơn cả phải kể đến hình thức review (tóm tắt phim) diễn ra trên khắp các mạng xã hội, nhất là Facebook và TikTok, kể toàn bộ nội dung phim.
Ngay đầu năm 2023, nhiều phim Việt bị quay lén đưa lên TikTok |
Anh Thanh Đoàn (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ trên một hội nhóm yêu phim ảnh rằng, hình thức review này tệ hại không khác gì xem phim lậu, xem xong hầu như chẳng ai muốn ra rạp nữa, bởi đã biết kết cục. Đáng nói hơn, qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trang review kiểu này còn hoạt động theo kiểu “vừa đấm vừa xoa”: Một mặt kêu gọi không khuyến khích xem lậu và viện dẫn tài liệu (hình ảnh và âm thanh) được sử dụng dưới dạng Fair-used (điều luật tại Mỹ, sử dụng một cách giới hạn nguồn tài nguyên của một tác phẩm khác mà không cần sự cho phép của tác giả và không bị cho là hành động vi phạm bản quyền), nhưng mặt khác vẫn vô tư kể nội dung phim.
Chuyển đổi… cách thức vi phạm
Khi chuyển đổi số trở thành xu hướng thì các hành vi vi phạm bản quyền cũng… chuyển đổi số theo cho hợp thời đại. Facebook, TikTok, Zalo... thoải mái sử dụng nên hàng ngàn tựa sách nổi tiếng của các nhà xuất bản như First News, Alphabook, Trẻ, Nhã Nam... được bán vô tư, chẳng ai kiểm duyệt, với giá rao bán sách chỉ bằng 2% giá bìa thực tế.
Anh Trần Văn Lộc (ngụ quận 5, TPHCM) cho hay, mình mua cuốn Đắc nhân tâm trên một nhóm bán sách ở Facebook với giá chỉ… 15.000 đồng. “Tôi thấy rẻ, mua thử, ai dè nhận hàng thiệt, thiệt tới đâu không rõ nhưng thấy cũng là cuốn sách đầy đủ trang, in ấn hơi lem nhem nhưng chắc giá 15.000 đồng nên chỉ có vậy”, anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, những tác phẩm phái sinh từ sách giấy như sách điện tử (eBook), sách nói (Audiobook) được sản xuất và phát tán công khai trên môi trường số cũng ngày càng nhiều. Những sản phẩm vi phạm bản quyền này có thể dễ dàng tìm được trên mạng.
Chỉ cần gõ từ khóa “sách nói”, “tải sách miễn phí PDF”, “kho sách” là có thể dễ dàng tìm đọc hoặc nghe miễn phí những đầu sách nổi tiếng. Hay trên YouTube có hàng trăm kênh đọc sách với đầy đủ nội dung, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với giá 0 đồng. Rõ ràng khái niệm bản quyền với dạng “sách” này là điều quá xa vời!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên không gian mạng, những trang vi phạm bản quyền hưởng lợi rất nhiều từ việc bán quảng cáo. Những nền tảng này không yêu cầu người dùng phải trả phí nhưng lại yêu cầu người dùng xem hết một đoạn quảng cáo nếu muốn nghe hay đọc “chùa” một cuốn sách. Bạn đọc cũng dễ dàng bắt gặp những lời quảng cáo mua sách giá rẻ 1K (1.000 đồng) hay USB sách nói (USB sách nói - Tủ sách thiện tâm thay đổi cuộc đời, USB sách nói - Kinh doanh làm giàu), eBook miễn phí... xuất hiện dày đặc trên Facebook, Zalo, Telegram.
Với các kênh truyền hình, nhiều người chỉ đợi được xem miễn phí trên YouTube, chấp nhận xem trên các trang web chiếu lậu dù chất lượng thấp, có quảng cáo độc hại hay chứa các mã độc.
Theo số liệu từ kết quả nghiên cứu của Media Partner Asia, Việt Nam hiện đứng thứ 3, sau Indonesia và Philippines, về vi phạm bản quyền trong khu vực. Nhưng nếu tính theo bình quân đầu người, Việt Nam đứng số 1 thế giới với khoảng 15,5 triệu người xem lậu trong năm 2022, gây thiệt hại khoảng 348 triệu USD cho chủ sở hữu nội dung!
Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming (phát trực tiếp nội dung đến người xem khác thông qua kết nối internet), mạng xã hội, hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
Có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming; tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. Hoạt động vi phạm bản quyền chủ yếu tập trung các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc.
Đến giữa năm 2022, Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam trên 500 website vi phạm bản quyền.
Hiện nay ở Việt Nam có hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên internet, nhiều website cung cấp các ấn phẩm của nhà xuất bản mà không được phép, chưa tính đến số lượng website sử dụng tên miền quốc tế.
Tuy nhiên, chỉ có số ít thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tạo hình ảnh rất xấu về thị trường trong nước. Chủ thể bản quyền bị xâm phạm không chỉ có tổ chức, cá nhân trong nước mà bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.
“Lỗ hổng” mạng xã hội
Ở lĩnh vực mỹ thuật, có thể kể đến vụ một chuỗi tranh 3 tác phẩm được in từ tranh digital art của họa sĩ Huỳnh Minh Thống (Nhà sáng lập Xôn Xao Studio) treo trong một quán cà phê ở Hà Nội; vụ bức tranh Góc khuê phòng của họa sĩ Đ.Q. có nội dung, bố cục tranh giống một phân cảnh trong dự án phim Cố Du của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân (ra mắt vào tháng 12-2019); vụ Hoa hậu Khánh Vân phóng tác ảnh thành tranh cổ động chống dịch Covid-19 mà quên xin phép tác giả là nhà báo Lưu Trọng Đạt.
Nhiếp ảnh gia L.H.V. đăng một số hình ảnh trên trang cá nhân thì bị một công ty xổ số lấy hình ảnh về đăng trên vé số. Một nhiếp ảnh gia khác phản ánh từng bị một đơn vị sao chép tác phẩm.
Vụ việc được đưa ra tòa án, kéo dài từ năm 2013 đến năm 2021. Theo nghệ sĩ này, đơn vị có nhận lỗi nhưng khi tòa án triệu tập thì lại không đến.