Vì sao cổ phiếu CTCK không tăng dù lãi khủng?

(ĐTTCO) - Đua nhau báo lãi khủng trong mùa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III, nhưng cổ phiếu (CP) của các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn lầm lũi đi xuống trong sự hụt hẫng của nhà đầu tư (NĐT) đang nắm giữ. 

Đua nhau báo lãi khủng 
Việc NĐT bất ngờ hoàn toàn dễ hiểu, bởi trước đó các CTCK đua nhau công bố KQKD quý III và lũy kế 9 tháng năm 2021 được đánh giá hiệu quả nhất từ trước đến nay. Thống kê từ HoSE cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại có ít nhất 14 CTCK công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III với kết quả hết sức ấn tượng.
Đơn cử, CTCK Sài Gòn (SSI) doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.846,3 tỷ đồng và 667 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với quý cùng kỳ 2020). Lũy kế 9 tháng năm 2021 SSI ghi nhận tổng doanh thu 5.091,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.062,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53,3% và 91,8% so với cùng kỳ 2020.
Với kết quả này, SSI đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Tương tự, CTCK TPHCM (HCM) công bố KQKD quý III với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 906 tỷ đồng (tăng 128%) và 397 tỷ đồng (tăng 127%). Lũy kế 9 tháng, HMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.411 tỷ đồng (tăng 124% và hoàn thành 90% kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 397 tỷ đồng (tăng 135% và hoàn thành 96% kế hoạch cả năm).
Theo thống kê, thu nhập trên CP (EPS) 9 tháng đạt 3.027 đồng. Hệ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) và hệ số thu nhập trên cổ phần (ROE) đạt lần lượt 5,9% và 19,3%.
Trước đó, CTCK Rồng Việt (VDS) đã công bố KQKD quý III và 9 tháng năm 2021 với mức tăng trưởng đạt trên 3 con số. Cụ thể, VDS ghi nhận 227 tỷ đồng doanh thu (tăng 153%), lũy kế 9 tháng đạt 761 tỷ đồng (tăng 193%) và hoàn thành 144% kế hoạch cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 73 tỷ đồng (tăng 98%), lũy kế 9 tháng đạt 320 tỷ đồng (tăng 539%) và hoàn thành 222% kế hoạch năm 2021.
Đây tiếp tục là mức lợi nhuận cao nhất VDS đạt được kể từ khi thành lập. Nhờ lợi nhuận khủng, EPS quý III của VDS đạt 698 đồng, lũy kế 4 quý gần nhất đạt 4.163 đồng.
Đáng chú ý, danh sách các CTCK báo lãi trong quý III còn có sự góp mặt của những CTCK đang vật lộn trong khó khăn, thậm chí không ít CTCK đang xoay xở xử lý những khoản thua lỗ trong các năm trước, như CTCK Đông Á (DAS) , CTCK Sài Gòn Thương Tín (SBS), CTCK APG (APG). 

Giá CP ngược chiều KQKD
Lợi nhuận của các CTCK đến từ 4 mảng chính dịch vụ môi giới và lưu ký CK, dịch vụ cho vay margin, hoạt động tự doanh và tư vấn niêm yết. Trong đó, hoạt động môi giới và lưu ký CK được hưởng lợi mạnh mẽ nhất đối với các CTCK chiếm thị phần lớn.
Có thể nói, KQKD ấn tượng của nhóm CTCK là hiện tượng không khó lý giải, nhất là trong bối cảnh mọi thứ đều đang ủng hộ CTCK. Đầu tiên là giá trị giao dịch của thị trường đã tăng lên gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trong quý III đạt 1,1 tỷ USD (tăng 316%). Đây là quý ghi nhận số lượng tài khoản mở mới cao kỷ lục với 337.000 tài khoản. Yếu tố thứ 2 là nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin) vẫn tiếp tục tăng trưởng, khi các CTCK đồng loạt tăng vốn để tận dụng nguồn thu hấp dẫn này.
Trong bối cảnh này, giới phân tích khuyến nghị NĐT giải ngân vào nhóm CP này để chờ đón sóng KQKD quý III.
Khi mọi thứ đều ủng hộ nhóm CP CK thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Nhóm CP ngành này lại liên tục đi xuống trong sự ngỡ ngàng của NĐT đang nắm giữ. Thậm chí, nhiều mã CP giảm mạnh dù sắp tới ngày chốt danh sách nhận quyền mua CP thưởng, như trường hợp của HCM.
Mã CP này liên tục bị NĐT bán ra và giảm giá đến sát ngày giao dịch không hưởng quyền được mua CP phát hành thêm (tỷ lệ 2:1), với giá 14.000 đồng/CP. Mức giá chào bán này thấp hơn rất nhiều so với thị giá ở thời điểm trước ngày giao dịch không hưởng quyền hơn 50.000 đồng/CP, nhưng NĐT vẫn đua nhau bán tháo.
Áp lực bán tháo trước ngày chốt danh sách hưởng quyền nhận CP cũng xảy ra với nhiều CTCK khác, trong đó SSI. Mã CP này bị “ép giá” từ mốc 63.000 đồng/CP xuống chỉ còn 60.000 đồng trước ngày giao dịch không hưởng quyền.
Với CTCK không có hoạt động chia thưởng CP trong khoảng thời gian này, mức suy giảm còn lớn hơn. Theo thống kê, CP nhóm ngành CK bị giảm giá trung bình 15-30% trong đợt suy giảm trong tháng 10. Dù nhóm ngành này tăng trở lại trong phiên giao dịch 27-10 khi VN Index xác lập mốc điểm số lịch sử, nhưng nhiều NĐT nắm giữ vẫn đang “gồng lỗ”.
Anh Cường, NĐT tại TPHCM, cho biết đã mua HCM trước đợt chia tách với mức giá hơn 54.000 đồng. Dù được nhận quyền mua với 14.000 đồng/CP nhưng với mức giá sau điều chỉnh hơn 37.000 đồng/CP, NĐT này vẫn lỗ nặng và đành bán cắt lỗ.  
Vì sao cổ phiếu CTCK không tăng dù lãi khủng? ảnh 1
Kỳ vọng thái quá?
Nhận định về đợt giảm giá của nhóm CP CK gần đây, một NĐT có thâm niên trên TTCK, cho rằng nhóm CP CK điều chỉnh giảm sau khi đã tăng quá nóng, nhiều mã tăng 2-3 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Với sóng tăng, ngoài sự kỳ vọng về KQKD, yếu tố thể hiện rõ qua BCTC quý III, thì sóng tăng còn đến từ sự kỳ vọng lớn hơn trong tương lai khi giao dịch T0 được triển khai năm 2020. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng hưởng lợi từ giao dịch T0.
Thực tế, chỉ những CTCK lớn, chiếm thị phần môi giới lớn mới là đối tượng hưởng hưởng lợi chính từ giao dịch T0. Với các CTCK nhỏ, áp lực cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều CTCK có vốn ngoại gia nhập thị trường. 
Đặc biệt, sự xuất hiện của các CTCK ngoại cũng tạo áp lực lên các ông lớn nội. “Kinh nghiệm quốc tế giúp các CTCK ngoại có điều kiện và năng lực tiếp cận nhanh hơn với các sản phẩm mới.
Còn tiềm lực tài chính là yếu tố giúp CTCK ngoại “mạnh gạo, bạo tiền” hơn trong việc chuyển hóa thành các sản phẩm/dịch vụ có chi phí thấp và hấp dẫn, nhằm thu hút khách hàng” - lãnh đạo một CTCK nội chia sẻ.
Theo lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, NĐT đang kỳ vọng thái quá về nhóm ngành này. Thậm chí, nhiều người còn kỳ vọng mức tăng trưởng này sẽ kéo dài. Dù chúng tôi lạc quan với triển vọng dài hạn của thị trường vốn Việt Nam, là lý do chúng tôi có mặt tại đây, nhưng thị trường sẽ không thể tăng mãi.
Bởi ngành CK là loại hình kinh doanh thâm dụng vốn cao, đang giao dịch tương ứng với P/B trung bình đạt 3,6x, ROE xuyên suốt chu kỳ đạt mức 11-15%. Đây là lý do NĐT có thể tìm thấy cơ hội tốt hơn ở các lĩnh vực khác hấp dẫn hơn. 

Các tin khác