Vì sao Gen Z ngại chúc Tết?

(ĐTTCO) - Theo phong tục truyền thống ở nước ta, vào dịp đầu Xuân năm mới ngoài chuyện ăn uống, gia đình nào, bất kể ở thành thị, nông thôn, hay miền núi, cũng luôn chú trọng tới việc đi chúc Tết, bởi đây là tập tục, nghi thức không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Vì sao Gen Z ngại chúc Tết?

Việc đi chúc Tết đối với các thành viên trong mỗi gia đình thường phải được thực hiện trước, nghĩa là sau khi đi chúc Tết khắp lượt ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, những người thân thích trong gia đình, dòng họ, xóm giềng, bè bạn... xong xuôi mới đi chơi Tết, đi du Xuân trẩy hội.

Với những ai Tết nhất không đến nhà ông bà, cha mẹ, họ hàng... để thăm hỏi, hoặc gửi những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới họ, thường sẽ nhận được lời trách móc, giận hờn là sống không có trước có sau, sống chỉ biết mình, không có tình cảm...

Chính vì vậy, dù bận rộn thế nào đi chăng nữa, từ sáng sớm ngày đầu năm mới (ngày Mùng 1 Tết), và kéo dài cho tới hết mấy ngày Tết (khoảng ngày Mùng 4 Tết), các gia đình thường kéo nhau rồng rắn các thế hệ trong gia đình nhỏ, hay đại gia đình, để đi chúc Tết, từ nhà này sang nhà khác, từ làng trên xuống xóm dưới, từ trong thành phố ra tới tận các vùng ngoại ô, hay về quê tại một miền xa xôi nào đó.

Khi đoàn chúc Tết tới nhà nào cũng đều nghe những lời chúc rộn ràng kèm nụ cười tươi rói. Chính phong tục đi chúc Tết đó là nét đẹp văn hóa, chứa đựng chất xúc tác gắn kết tình cảm keo sơn giữa các gia đình, dòng họ, xóm làng với nhau.

Thế nhưng, quả là buồn khi những năm gần đây, cùng với nhiều tập tục, nét đẹp văn hóa truyền thống, việc đi chúc Tết cũng đã, đang ngày bị biến dạng, mất đi, hoặc nhạt phai.

Tập tục đi chúc Tết có thể vẫn còn nhưng đại đa số những người thực hiện, vẫn giữ được nét đẹp văn hóa ngày Tết này, chủ yếu là người tuổi trung niên, người già, chứ lớp trẻ hầu như không còn mặn mà với phong tục mà họ cho không cần thiết và “cổ lỗ sĩ” này.

Tôi từng chứng kiến khá nhiều bạn trẻ cãi lời lại cha mẹ, khi cha mẹ yêu cầu họ phải đi chúc Tết ông bà, người nhà họ hàng... Xin lấy một thí dụ, con trai người bạn tôi năm nay 19 tuổi, hiện đang học đại học năm thứ nhất, đã cãi lại cha mẹ chỉ vì việc cha mẹ bắt đi chúc Tết.

Cậu ta nói với cha mẹ thế này: “Sao bố mẹ năm nào cũng quan trọng hóa việc đi chúc Tết như vậy nhỉ?! Con nghĩ con không đi chúc Tết nhà ông bà, nhà họ hàng cũng đâu có sao. Chuyện này bố mẹ đi là đủ và được rồi, đâu nhất thiết phải đông đủ cả nhà”.

Một thí dụ khác, là con gái một gia đình nhà hàng xóm của tôi, năm nay đang học trung học phổ thông, cha mẹ Tết nào chăm chăm nhắc cô bé phải thực hiện việc đến nhà ông bà nội, ngoại để chúc Tết.

Cha mẹ em giải thích việc đi chúc Tết là nghĩa vụ bắt buộc để hướng về cội nguồn, cũng như thể hiện tình cảm của con cháu đối với thế hệ những người đi trước, nhưng chô bé hồn nhiên trả lời rằng: “Con không đi chúc Tết cùng bố mẹ được, bởi con đã có hẹn với bạn bè rồi nên con không thể không đi chơi cùng chúng nó. Bố mẹ không thấy con học hành cả năm, có mấy ngày Tết tưởng được nghỉ ngơi, được đi chơi chỗ này chỗ nọ với bạn bè, vậy mà cũng gò ép bắt buộc con phải đi đến nhà ông bà, nhà họ hàng, thật là mệt mỏi…”.

Thực ra, không riêng gì 2 trường hợp kể trên, mà thời nay có rất nhiều bạn trẻ ngại, thậm chí không hề thích đi đến nhà ông bà, nhà bà con họ hàng để chúc Tết. Trong những ngày nghỉ lễ Tết, các bạn trẻ thường thích được đi chơi với bạn bè theo ý mình, không thích bị cha mẹ quản lý, theo dõi.

Không ít bạn trẻ nếu không có thú vui tụ tập đi chơi với bạn bè, lại vùi đầu vào các trò games trên mạng, hay dán mắt vào điện thoại hoặc các video clip… sống ảo trên các trang mạng xã hội.

Suy cho cùng, chuyện những người trẻ bây giờ lười đi chúc Tết, thậm chí bỏ hẳn tập tục đi chúc Tết khi phó mặc việc này cho người già, cho cha mẹ, quả là đáng buồn. Bởi như chúng ta đều biết, chính việc qua lại thăm hỏi, gặp mặt và chúc tụng nhau luôn khiến tình cảm giữa con người với con người gần gũi hơn, gắn kết hơn...

Nếu là người cùng dòng họ mà không có những buổi gặp gỡ nhau, nhất là dịp lễ Tết hàng năm, sự xa cánh, tình cảm nhạt phai sẽ dần bị đẩy ra xa là điều khó tránh khỏi.

Để không khí ngày Tết cổ truyền luôn tràn đầy tiếng cười, tiếng nói vui vẻ, cũng như khôi phục lại phong tục đi chúc Tết cho các bạn trẻ đã ít nhiều bị mai một bấy lâu nay, thiết nghĩ các bậc cha mẹ phải là những người luôn quán triệt dạy bảo con cái mình một cách nghiêm túc.

Nên hướng các con mình việc phải đi đến nhà ông bà, người họ hàng, xóm giềng để chúc Tết là bắt buộc, không thể khác được. Việc chỉ bảo, giáo dục chuyện này phải bắt đầu từ khi các em còn nhỏ, bởi khi đã trở thành “nếp” rồi, lớn lên, thậm chí đã trưởng thành, các em cũng không từ bỏ tập tục mang nét đẹp văn hóa từ ngàn đời trong ngày Tết của dân tộc.

Các tin khác