Vì sao giá thịt heo vẫn “leo dốc”?

(ĐTTCO)-Mặc dù từ ngày 1-4, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá heo hơi bán tại cửa trại về mức 70.000 đồng/kg theo như cam kết với Chính phủ, nhưng theo khảo sát trong hơn 1 tuần nay, giá thịt heo bán đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức rất cao.
Khách hàng chọn mua thịt heo ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Khách hàng chọn mua thịt heo ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Thịt “nóng” giá vẫn cao

Tại TPHCM, ngày 8-4, heo hơi vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền chỉ còn 70.000 đồng/kg (trước đó, giá heo hơi 75.000 - 78.000 đồng/kg), giá heo mảnh khoảng 90.000 - 108.000 đồng/kg. Tại chợ Tân Định (quận 1), giá bán lẻ thịt cốt lết vẫn 150.000 đồng/kg, thịt ba rọi 190.000 đồng/kg, thịt đùi khoảng 160.000 đồng/kg, sườn non khoảng 200.000 đồng/kg.

Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, nhờ chương trình bình ổn của TPHCM, giá heo được can thiệp giảm 10%-15%, Cụ thể, giá thịt chân giò giảm còn 102.000 đồng/kg, xương heo giảm còn 56.000 đồng; sườn non giảm còn 238.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn giảm còn 212.500 đồng/kg…

Ghi nhận lượng thịt heo nhập chợ đầu mối hàng ngày cho thấy, 10 ngày cuối tháng 3, sản lượng heo hơi về chợ đầu mối TPHCM đạt ngưỡng cao, như chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 3.500 - 4.500 con/ngày, chợ Bình Điền khoảng 2.100 - 2.200 con/ngày. Nhưng từ ngày 1-4 đến nay (ngày bắt đầu thực hiện cách ly xã hội), sản lượng heo hơi về chợ giảm mạnh. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 7 và 8-4, heo về chợ chỉ khoảng 2.200 con (giảm hơn 1.000 con/ngày), chợ đầu mối Bình Điền chỉ còn 1.900 con/ngày. 

Tương tự tại các chợ, siêu thị ở Hà Nội và miền Bắc, ghi nhận giá thịt heo phổ biến 150.000 - 180.000 đồng/kg, thậm chí có nơi hơn 200.000 đồng/kg loại ngon. Từ ngày 7-4 đến nay, giá heo ở một số nơi còn có dấu hiệu tăng trở lại chứ không hề giảm như dự báo. 

Ghi nhận tại vựa heo Hoài Ân (tỉnh Bình Định, vựa heo lớn nhất khu vực miền Trung) ngày 8-4, giá thịt heo được các thương lái mua tại chuồng vẫn rất cao: 78.000 - 80.000 đồng/kg hơi. Giá bán lẻ thịt heo tại chợ Khu 6 (TP Quy Nhơn, Bình Định) vẫn duy trì ở mức 170.000 - 175.000 đồng/kg.

Ngày 8-4, tại các chợ trên địa bàn TP Cần Thơ, các quầy sạp bán thịt nạc cho người tiêu dùng với giá 140.000 đồng/kg; thịt ba rọi khoảng 150.000 đồng/kg; xương heo có nạc giá 130.000 đồng/kg;… không giảm bao nhiêu so với cuối tháng 3. Chị Trần Thị Liên, ngụ huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) bộc bạch: “Thực tế hiện nay giá thịt còn cao; thậm chí thịt heo nội địa cao hơn hẳn thịt heo ngoại nhập. Vì vậy, mấy ngày qua tôi mua sườn heo nhập với giá khoảng 140.000 - 150.000 đồng/kg, vẫn ngon mà thấp hơn nhiều so với giá thịt heo trong nước…”.

Để tổ chức kiểm soát giá bán thịt heo, đảm bảo hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT vừa có Công văn số 2456 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán thịt heo.
Bộ NN-PTNT đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi heo tại các địa phương, phải cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg heo hơi, tiến tới giảm xuống 65.000 đồng và 60.000 đồng/kg.

Khi nào giảm giá như cam kết?

Tính toán từ các chợ đầu mối, chi phí giết mổ tốn 50.000 đồng/con heo hơi, chi phí vận chuyển khoảng 15.000 đồng/con và heo có trọng lượng 100kg khi giết mổ thành 2 mảnh chỉ còn 70kg (do mất nước, máu, bộ lòng). Từ 1-4, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm đóng cửa nên nhu cầu sử dụng thịt heo ít lại, nhất là bộ lòng, huyết của con heo rất ít người mua. Nhiều người hạn chế ra đường nên cũng giảm đi chợ truyền thống, siêu thị. Do đó, các tiểu thương phải cân đối tăng giá bán những phần thịt nhiều người mua để bù lại phần thịt ế. Không có hiện tượng kìm sản lượng heo, bởi con heo đúng trọng lượng để xuất chuồng, càng nuôi sẽ càng tốn chi phí.

Tại thị trường Hà Nội và miền Bắc, còn một nguyên nhân khác khiến giá heo chưa giảm. Dù hơn 1 tuần qua, 15 DN, tập đoàn lớn cam kết giảm giá bán heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, nhưng các thương lái, chủ lò mổ cho biết rất khó tiếp cận được nguồn heo của DN, nên phải lùng mua heo nuôi trong dân với giá cao hơn. Ngày 8-4, giá heo hơi tại miền Bắc vẫn neo 78.000 - 80.000 đồng/kg, có nơi tại Hà Nội, Phú Thọ... giá 80.000 - 82.000 đồng!

Ông C., chủ một cửa hàng thịt heo chợ Khu 6 (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết: “Mặc dù có lệnh của Thủ tướng rồi mà giá thịt heo vẫn duy trì ở mức cao chứ có giảm đâu. Mới đây, Nhà nước có chỉ đạo giảm giá heo xuống 70.000 đồng/kg, nếu không, sẽ nhập heo. Tuy nhiên, khi nhập heo nước ngoài về các công ty lại ép, chỉ bán 1 - 2 con nên người kinh doanh như chúng tôi không đủ nguồn thịt để bán”.

Vì sao có tình trạng khan hiếm heo hơi giá 70.000 đồng/kg, nhưng lại tràn lan heo hơi giá cao (gần 80.000 đồng/kg)? Câu trả lời là do khan hiếm nguồn cung thịt heo trong nước. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, lý do của tình trạng này là do nguồn cung bị khan, thiếu vì heo chết nhiều trong dịch tả heo. Lượng nhập khẩu năm nay mặc dù tăng cao hơn nhiều lần song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng; trong khi việc nhập khẩu không phải dễ dàng do các nước cũng đang siết chặt hoạt động xuất khẩu thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi do dịch Covid-19 tác động. Mặc dù doanh nghiệp giảm giá nhưng sản lượng ít, không đủ điều chỉnh thị trường. 

“Chính vì nguồn cung chưa đủ trong từng thời điểm, nên giá thịt heo mới tăng cao. Trước khi có dịch, chúng ta cần tới 910.000 tấn thịt heo mỗi quý nhưng vừa qua mới đạt 820.000 - 830.000 tấn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và nhận định phải đến quý 4 chúng ta mới đạt được sản lượng đó. Và, giải pháp gốc rễ để bình ổn giá thịt heo là phải tập trung tái đàn, tăng đàn.

Những ngày qua, nhu cầu đi chợ online ở các thành phố lớn tăng mạnh. Đây cũng là đất sống của thịt heo nhập khẩu, khi giá bán lẻ ở mức 160.000 - 170.000 đồng/kg sườn BBQ (Canada), sườn sụn Canada 160.000 - 170.000 đồng/kg, sườn cốt lết Canada 140.000 - 145.000 đồng/kg; móng giò heo Ba Lan 140.000 đồng/kg, bắp giò heo Ba Lan cắt khoanh 100.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn Tây Ban Nha 170.000 đồng/kg. Giá thịt heo nhập từ Nga bán sỉ cho khách (10 - 20kg/thùng) có giá 98.000 đồng/kg thịt ba chỉ rút sườn, nạc vai 77.000 đồng/kg, nạc đùi giá 80.000 đồng/kg… 
Đồng Tháp đầu tư 34 tỷ đồng tái cơ cấu chăn nuôi heo

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vừa cho biết, UBND tỉnh đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo giai đoạn 2020-2025, theo hướng an toàn sinh học, nuôi quy mô lớn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và các huyện, ngay trong năm 2020 thực hiện giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (số lượng tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt). Đến năm 2025, có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi quy mô lớn; đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ tốt môi trường...

Tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo cơ chế, chính sách hiện hành... Tổng kinh phí thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi heo giai đoạn 2020 - 2025 khoảng 34 tỷ đồng. (HUỲNH LỢI)
Cà Mau: 18,6 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nuôi heo bị tiêu hủy

 UBND tỉnh Cà Mau vừa cho biết, đã thống nhất chủ trương hỗ trợ các hộ chăn nuôi heo bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi.
Theo đó, trong thời gian chờ Bộ Tài chính thẩm định nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, thì UBND tỉnh Cà Mau thống nhất chủ trương hỗ trợ các huyện 90% tổng nhu cầu kinh phí để hỗ trợ các hộ chăn nuôi heo bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi, với số tiền hơn 18,6 tỷ đồng. (TẤN THÁI)
Thanh Hóa: Tái đàn gần 100.000 con heo sau dịch

Ngày 9-4, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau gần một tháng công bố hết dịch tả heo châu Phi, toàn tỉnh có trên 1.600 cơ sở chăn nuôi thực hiện việc tái đàn với gần 100.000 con heo. Trong đó, số lượng heo giống được tái đàn trực tiếp tại địa phương đạt gần 50.000 con, nguồn con giống từ ngoại tỉnh hơn 34.000 con, còn lại là các nguồn khác. 
Trước đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện vào ngày 23-2-2019 tại xã Định Long (huyện Yên Định), sau đó dịch đã lan ra 25.633 hộ tại 2.234 thôn, 457 xã, thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng chức năng Thanh Hóa đã tiến hành tiêu hủy 214.204 con heo, với tổng trọng lượng gần 14.390.219kg. Đến ngày 13-3-2020, Thanh Hóa công bố hết dịch tả heo châu Phi. Tỉnh này cũng vừa tạm cấp gần 9 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra.  (DUY CƯỜNG)

Số liệu từ Bộ NN-PTNT cho thấy, trong quý 1-2020, số lượng thịt heo nhập khẩu (từ Canada, Ba Lan, Đức, Mỹ, Brazil) tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm trước (từ đầu năm đến giữa tháng 3-2020 nhập trên 25.300 tấn thịt và sản phẩm thịt). Riêng tháng 4 và 5-2020, ước tính có khoảng 2.000 tấn thịt đông lạnh từ Nga cập cảng Việt Nam.

Những ngày qua, nhu cầu đi chợ online ở các thành phố lớn tăng mạnh. Đây cũng là đất sống của thịt heo nhập khẩu, khi giá bán lẻ ở mức 160.000 - 170.000 đồng/kg sườn BBQ (Canada), sườn sụn Canada 160.000 - 170.000 đồng/kg, sườn cốt lết Canada 140.000 - 145.000 đồng/kg; móng giò heo Ba Lan 140.000 đồng/kg, bắp giò heo Ba Lan cắt khoanh 100.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn Tây Ban Nha 170.000 đồng/kg. Giá thịt heo nhập từ Nga bán sỉ cho khách (10 - 20kg/thùng) có giá 98.000 đồng/kg thịt ba chỉ rút sườn, nạc vai 77.000 đồng/kg, nạc đùi giá 80.000 đồng/kg…

Các tin khác