Vì sao khó kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng?

(ĐTTCO) - Với tăng trưởng GDP quý III ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ 2022, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 chỉ duy trì ở mức 4,24%, đã tiếp tục đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Vì sao khó kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng?

Ngoại lai gây áp lực, nội lực yếu kém

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê (TCTK), cho thấy GDP quý III chỉ tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2020 và 2021 (2 năm xảy ra dịch Covid-19). Theo đánh giá của TCTK, xu hướng tăng trưởng kinh tế quý III tuy có tích cực hơn so với 2 quý trước (quý I và II GDP tăng trưởng thấp, lần lượt 3,32% và 4,05%), song áp lực tăng trưởng quý IV sẽ rất lớn.

Mức tăng trưởng kinh tế quý III cũng không đạt được như kỳ vọng, theo giải thích của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK, do kinh tế 9 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những yếu tố bất thuận từ bên ngoài.

Cụ thể, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công tăng kỷ lục, xung đột Nga - Ukraine phức tạp hơn, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… gia tăng. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra trước đó…

Nhưng sự tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra nói trên không hẳn chỉ do những yếu tố bên ngoài. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9, những khó khăn, hạn chế khiến kinh tế tăng trưởng chậm chạp đã được cơ quan này nhận diện.

Đó là tăng trưởng kinh tế các quý chưa đạt mục tiêu đề ra, dù tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, nhưng tính chung các tháng GDP chỉ tăng trưởng ở mức thấp. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp, sản xuất công nghiệp còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ.

Những hạn chế nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý giải quyết dứt điểm đã cộng hưởng với những yếu tố bất lợi bên ngoài, đưa đến hệ quả kéo chậm đà tăng trưởng nền kinh tế.

Đáng chú ý, UBKTQH chỉ rõ việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội còn chậm chạp.

Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, phân cấp, phân quyền còn vướng mắc, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

“Cỗ xe tam mã” có đủ lực kéo tăng trưởng?

Trong báo cáo cập nhật kinh tế công bố mới đây về triển vọng phát triển kinh tế châu Á (bao gồm Việt Nam), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tỏ ra thận trọng khi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay chỉ tăng ở mức 5,8% (so với mục tiêu đề ra trước đó 6,5%). Những nguyên nhân chính khiến ADB điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng, là kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn đối mặt với nhiều rủi ro thách thức.

“Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công, cùng những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế, là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng. Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam.

Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn, có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng” - báo cáo của ADB nhấn mạnh. Cũng theo ADB, thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là áp lực lớn. Thách thức trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 được đặt ra trong bối cảnh nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 9 tháng có dấu hiệu chậm lại, và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Do đó, giải pháp những tháng còn lại của năm nay là cần tiếp tục thúc đẩy “cỗ xe tam mã”, với trọng điểm là 3 động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Cụ thể, quý IV cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, cùng với thực hiện tốt chính sách tài khóa, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý. Đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy hàng hóa thông qua thương mại điện tử, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng.

Tập trung mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đối với đầu tư công, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia… để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Theo khuyến nghị của ADB, vấn đề không phải là bổ sung thêm nhiều các chính sách mới, thay vào đó Chính phủ nên thực hiện sao cho hiệu quả các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang sẵn có. Bởi sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.

Đồng thời, trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.

Các tin khác