Vì sao phải trả nợ hơn 7.000 tỷ đồng cho cao tốc Hà Nội- Hải Phòng?

(ĐTTCO)- Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT về việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn nước ngoài cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, số tiền phải trả là hơn 7.000 tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng dài hơn 105km, đưa vào khai thác từ năm 2015 và là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng dài hơn 105km, đưa vào khai thác từ năm 2015 và là tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn nước ngoài cho dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo chủ trương cho phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với giá trị là hơn 7.036,6 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền dùng để hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là hơn 4.699,6 tỷ đồng (tương đương gần 245,8 tỷ KRW) và hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Tái thiết Đức là 2.337 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD). Giá trị nêu trên được tính toán theo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 63 và sẽ được chuẩn xác tại thời điểm hoạch toán chi phí vốn đầu tư đã thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đề xuất kế hoạch trung hạn cho dự án trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công (hiện dự án này mới có trong danh mục dự án trong nước trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công).

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015. Dự án có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng với tổng chiều dài 105,5km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5-35 m. Ngoài ra, dự án có hơn 164km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.

Trên dọc tuyến đường cao tốc có 9 nút giao liên thông khác mức, một nút giao bằng tại Đình Vũ, 39 vị trí giao cắt trục thông khác mức, 105 cầu chui dân sinh cùng hệ thống đường gom tổng chiều dài 164,8km.

Ai trả khoản phát sinh hàng nghìn tỷ đồng?

Năm 2007, dự án Quốc lộ 5 mãn tải, Thủ tướng quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Do ngân sách nhà nước khó khăn, dự án đã được triển khai đầu tư theo cơ chế thí điểm. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

Cụ thể, đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam-VIDIFI vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2008-2010. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD) Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay vốn và cho VIDIFI vay lại để thực hiện Dự án. Nhà nước sẽ trả dần các khoản nợ gốc của các khoản vay trên khi đến hạn theo hợp đồng vay (thời gian từ 13-30 năm) và một phần vốn tham gia của Nhà nước được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường (khoảng 5.200 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo VIDIFI, tính từ thời điểm dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng bắt đầu triển khai đến nay đã hơn 10 năm nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho VIDIFI theo quyết định 746 của Thủ tướng vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia hỗ trợ của nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%. Tính đến cuối 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo quyết định 746 chưa được thực hiện ước tính khoảng 800 tỷ đồng.

Trong trường hợp không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, phía VIDIFI cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam. (Dự án đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay gồm Keximbank, Kfw, Citi Bank Japan, Sumitomo Mitsui Banking, MUFG Bank, Sumitomo Trust & Banking).

"Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt của dự án đã được gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó đã thể hiện thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án. Vì vậy, các tổ chức này rất quan tâm đến tính khả thi của phương án tài chính và khả năng hoàn trả vốn vay đến hạn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án,” lãnh đạo VIDIFI cho biết.

Các tin khác