Tòa án cấp cao của Anh đưa ra phán quyết trên ngày 2/7. Khối vàng trên của Venezuela đang được cất giữ tại Ngân hàng Anh (BOE).
|
Chính quyền ông Maduro thất bại đầu tiên trong nỗ lực đòi lại số vàng gửi tại Anh. |
Theo hãng tin Reuters, phiên điều trần cuối cùng trong vụ phân xử này đã kéo dài 4 ngày diễn ra hồi tuần trước.
Thẩm phán thuộc Tòa án cấp cao Anh, ông Nigel Teare, đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, Anh chính thức công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời hợp hiến của Venezuela.
"Chính phủ của Nữ hoàng công nhận ông Guaido trong vai trò tổng thống lâm thời hợp hiến của Venezuela và, vì thế, không công nhận ông Maduro là tổng thống lâm thời hợp hiến của Venezuela" - ông Teare tuyên bố.
Trước phán quyết này, phía chính quyền đương nhiệm ở Venezuela được LHQ công nhận cho biết, Ngân hàng Trung ương Venezuela sẽ kháng cáo.
Ông Sarosh Zaiwalla, luật sư đại diện cho BCV cho rằng phán quyết trên đã "phớt lờ hoàn toàn tình hình thực tế".
"Chính quyền Maduro nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Venezuela và các tổ chức hành chính của mình, chỉ nó mới có thể đảm bảo phân phối hàng cứu trợ nhân đạo và vật tư y tế cần thiết để chống lại Covid-19. Kết quả hôm nay sẽ trì hoãn việc giải quyết vấn đề, gây bất lợi cho người dân Venezuela" - vị luật sư nói.
Ngân hàng Trung ương Venezuela gọi phán quyết là "vô lý", cho hay sẽ "lập tức kháng cáo quyết định phi lý và bất thường của tòa án Anh đang tìm cách tước đoạt vàng của người dân Venezuela đang rất cần số vàng này để xử lý Covid-19".
Kho vàng trị giá 1 tỷ USD của Venezuela đang được cất giữ tại Ngân hàng Trung ương Anh.
Ông Maduro trước đó khẳng định ông muốn bán số vàng trên để dành tiền cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Venezuela. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở ông thực hiện ý định này.
Ngân hàng Anh BOE cho biết, họ không thể thực hiện yêu cầu từ ông Maduro vì "bị mắc kẹt" trước cuộc tranh chấp cương vị tổng thống của Venezuela. Ban lãnh đạo BCV do chính phủ của ông Maduro bổ nhiệm muốn lấy vàng ra, trong khi ban lãnh đạo đối lập của ông Guaido phản đối điều này.
Sau phán quyết hôm 2/7, ông Guaido đã ca ngợi đâylà "chiến thắng vĩ đại".
Theo Reuters, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã bán 30 tấn vàng dự trữ trong 2 năm qua để thu về tiền mặt.
Tuy nhiên, tờ báo Anh không nêu rõ rằng số tiền này được ông Maduro dùng để khắc phục những hậu quả do các biện pháp trừng phạt từ chính quyền Mỹ ban hành.
Hồi tháng 2, Chính phủ Venezuela đã thông báo đã gửi đơn đề nghị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra tội ác chống lại loài người mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra đối với nhân dân Venezuela.
Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreaza cho biết Caracas đã chính thức nêu vấn đề này với các công tố viên của ICC, coi đây là một "cuộc chiến tranh kinh tế," theo đó cho rằng "các biện pháp ép buộc đơn phương của Mỹ là tội ác chống lại loài người áp dụng với người dân Venezuela, vi phạm luật pháp quốc tế và cần phải chấm dứt."
Ông Arreaza khẳng định luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và đây là hành động pháp lý cần thiết để tạo một tiền lệ cho các trường hợp tương tự như các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp dụng với một số nước khác trên thế giới như Cuba hay Iran.
Năm 2019, chính quyền Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ - nguồn thu ngoại tệ chính của Venezuela - và hãng hàng không quốc gia Conviasa của nước này.
ICC được thành lập năm 2002 nhằm xét xử những tội ác nghiêm trọng nhất trên thế giới là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Mỹ không phải là thành viên của ICC, song tòa án này có thể đưa ra phán quyết về những vấn đề liên quan đến người dân của các nước thành viên của ICC, trong đó có Venezuela.