Vì sao tốc độ tăng PPI cao hơn CPI?

Theo số liệu thống kê, chỉ số giá sản xuất (PPI) đang cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc có thể nói tốc độ tăng giá “bán buôn” lại cao hơn tăng giá “bán lẻ”. Vì sao có hiện tượng này? Nếu đúng như vậy thì lạm phát sẽ tiếp diễn trong sáu tháng cuối năm hoặc nếu kìm giữ bằng các biện pháp hành chính thì nó sẽ tiềm ẩn sang năm sau.

Theo số liệu thống kê, chỉ số giá sản xuất (PPI) đang cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc có thể nói tốc độ tăng giá “bán buôn” lại cao hơn tăng giá “bán lẻ”. Vì sao có hiện tượng này? Nếu đúng như vậy thì lạm phát sẽ tiếp diễn trong sáu tháng cuối năm hoặc nếu kìm giữ bằng các biện pháp hành chính thì nó sẽ tiềm ẩn sang năm sau.

Chỉ số PPI của nhóm ngành nông lâm thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm 2011 so với bình quân 6 tháng năm 2010 lên đến 27,6% và của nhóm ngành công nghiệp xây dựng là 16,7% . Trong khi đó, chỉ số CPI là 16% (chỉ số giá CPI của nhóm lương thực, thực phẩm chỉ là 22,4%, của nhóm may mặc mũ nón giày dép là 10,7%, đồ uống, thuốc lá 11,2%, thiết bị đồ dùng gia đình 8%...)

Thông thường, quá trình hình thành giá của một sản phẩm được tính như sau: đầu tiên giá sản phẩm được hình thành bởi giá thành xuất xưởng (được xem như giá cơ bản, cũng là giá để tính chỉ số giá sản xuất PPI). Khi ra đến “cổng” doanh nghiệp thì giá sản phẩm đó bao gồm thêm thuế sản phẩm (giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt…) được gọi là giá sản xuất. Và khi sản phẩm đó đến người sử dụng (có thể là nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng) thì được xem là giá của người mua. Giá của người mua sẽ bao gồm giá sản xuất cộng với phí vận tải và phí thương mại (phí lưu thông). Nếu người mua là hộ gia đình thì đây là giá để tính chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Do hàng nhập khẩu giá rẻ?

Bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải:  "Chỉ số giá sản xuất (PPI) là chỉ số giá của sản phẩm được sản xuất trong nước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu”. Như vậy, khi chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất, một trong những nguyên nhân có thể là do giá của sản phẩm nhập khẩu cho tiêu dùng (nhất là hàng hoá phi lương thực thực phẩm) thấp hơn giá của sản phẩm được sản xuất trong nước. Điều này phần nào phù hợp với kết quả nghiên cứu của một chuyên gia hàng đầu của Liên hiệp quốc khi nghiên cứu về số liệu thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chuyên gia này cho biết, theo báo cáo của Trung Quốc, xuất khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc qua Việt Nam sáu tháng đầu năm 2011 là 2,5 tỷ USD, trong khi số liệu của Việt Nam về nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ là 688 triệu USD. Sự chênh lệch quá lớn giữa hai số liệu trên cho thấy có thể một lượng hàng tiêu dùng khá lớn của Trung Quốc đã được nhập vào Việt Nam bằng con đường nào đó và chính các hàng hoá nhập khẩu này phần nào làm giảm chỉ số giá tiêu dùng.

Bà Lê Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ của Tổng cục Thống kê, cho rằng nếu tính nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc theo nước xuất xứ (theo hàng hóa được làm từ Trung Quốc – made in China, không kể có xuất từ Trung Quốc hay nước thứ ba) thì chênh lệch số liệu giữa báo cáo của Việt Nam và Trung Quốc không có sự khác biệt lớn như giữa Trung Quốc và một số nước khác.

Như vậy phải chăng việc nhập khẩu, ngoài những mặt tiêu cực làm gia tăng nhập siêu, cũng có “tác dụng” phần nào làm chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao thêm. Điều này một lần nữa phản ánh vấn đề đã được nêu ra “hàng Việt Nam bị kém cạnh tranh về giá” so với hàng hoá của nhiều nước trong khu vực; đồng thời thể hiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp sản xuất những hàng hoá là nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất hàng hoá tiêu dùng. Số liệu thống kê cũng cho thấy hiệu quả sản xuất nhìn theo tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất trong những năm qua của Việt Nam giảm một cách nhanh chóng.

Do doanh nghiệp kìm giá bán?

Một khả năng không thể không tính đến là thực tế này do doanh nghiệp kìm giá. Mặc dù giá chi phí đầu vào tăng cao, lan toả nhiều vòng đến giá thành sản xuất (để tính PPI) nhưng giá bán cuối cùng (để tính CPI) không thể tăng tương xứng do đơn hàng đã có từ trước khi giá đầu vào tăng (trường hợp doanh nghiệp không dự phòng nguyên vật liệu). Trong trường hợp này doanh nghiệp phải chịu giảm lợi nhuận hoặc thậm chí chịu lỗ, để duy trì sản xuất, tình trạng này là có nhưng không thể kéo dài, thường chỉ trong một quý.

Ngoài ra, bài toán tăng giá của doanh nghiệp còn bị chi phối bởi ẩn số sức mua của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp than rằng nếu tăng giá họ sợ không bán được sản phẩm nên cố không tăng trong thời gian có thể. Và điều này kéo dài sẽ báo hiệu sự phá sản của một số doanh nghiệp hoặc sẽ tiềm ẩn sự gia tăng về CPI trong thời kỳ tiếp theo.

Nếu vậy, trong thời gian tới giá cả sẽ ảnh hưởng đến sản xuất còn mạnh mẽ hơn cả việc giá cả ảnh hưởng tới tiêu dùng của dân cư.

Các tin khác